1. Hoàn cảnh ngắm trăng
* Câu đầu nói đến hoàn cảnh ngắm trăng của Bác: Bác đang ngắm trăng trong tù, thưởng trăng khi đang là một tù nhân bị đày đọa, khổ cực vô cùng:
"Trong tù không rượu cũng không hoa"
- Trăng, hoa, rượu, thơ là những thú vui tinh thần cao quí của các tao nhân mặc khách ngày xưa. Trước ánh trăng đẹp, họ thường uống rượu, ngắm hoa và uống rượu thì mới thú vị, mĩ mãn. Nhưng ở trong tù, mọi thứ đều thiếu thốn.
- Điệp từ “không” nhấn mạnh cái thiếu trong thú vui tinh thần của thi nhân, của người tù – một chiến sĩ có tâm hồn nghệ sĩ trước vẻ đẹp của thiên nhiên.
* Trước cảnh trăng đẹp đó, người tù xốn xang, bối rối, "khó hững hờ":
"Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ"
Câu thơ thứ hai đã thể hiện tâm hồn nghệ sĩ đích thực của Bác, con người vẫn là một người yêu thiên nhiên tha thiết, vẫn rung động mãnh liệt trước cảnh trăng đẹp dù đang là thân tù. Câu thơ có cái xốn xang, bối rối của người nghệ sĩ.
* Hai câu thơ đầu mang nhiều lớp nghĩa:
- Vừa có ý nghĩa hiện thực
- Vừa có ý nghĩa tượng trưng
- Vừa có ý nghĩa biểu cảm
→ Tâm trạng xốn xang, bối rối của người nghệ sĩ trước cảnh đêm trăng đẹp, người chiến sĩ cách mạng – một con người yêu thiên nhiên, say mê đã rugn động mãnh lệt trước cảnh trăng đẹp.
Việc nhớ đến rượu và hoa trong cảnh tù ngục cho thấy người tù không hề vướng bận bởi những khó khăn gian khổ vật chất, trái lại, tinh thần luôn ung dung, tự tại, vẫn thèm được tận hưởng cảnh trăng đẹp.
2. Tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng
"Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ"
* Phép đối: hai câu thơ sử dụng phép đối, cấu trúc đăng đối làm tăng khả năng biểu cảm của câu thơ. Giữa "nhân" và "nguyệt" đều có song sắt nhà tù chắn ở giữa; nhưng người tù đã thả hồn mình ra khỏi đó để tìm ngắm trăng, để giao hòa với vầng trăng. Và vầng trăng dường như cũng vượt qua song sắt nhà tù để "ngắm nhà thơ". Cấu trúc đối đã làm nổi bật tình cảm mãnh liệt giữa người với trăng, giữa trăng với người.
* Nhân hóa: "nhòm", "ngắm". Trăng cũng có những hành động giống như con người, trăng như người bạn tri kỉ của nhà thơ.
-> Hai câu thơ cuối cho thấy tình cảm mãnh liệt của người và trăng, đồng thời cho thấy sức mạnh tinh thần kì diệu của người chiến sĩ - thi sĩ ấy. Trong công cuộc ngắm trăng này, song sắt nhà tù, những bạo tàn, gian khổ của tù ngục đã trở nên vô nghĩa trước những tâm hồn tri kỉ tìm đến với nhau.
"Ngắm trăng" là bài thơ tứ tuyệt giản dị mà hàm súc, cho thấy tình yêu thiên nhiên đến say mê và phong thái ung dung của Bác Hồ ngay cả trong cảnh ngục tù cực khổ tăm tối. Bài thơ thể hiện tình cảm thiên nhiên đặc biệt sâu sắc, mạnh mẽ, một biểu hiện của tâm hồn nghệ sĩ ở Bác Hồ, vừa cho thấy sức mạnh to lớn của người chiến sĩ vĩ đại đó. Có thể nói, đằng sau những câu thơ rất thơ đó là một tinh thần thép, vượt lên hẳn sự nặng nề, tàn bạo của ngục tù.