Trong cuộc kháng chiến của dân tộc chống quân xâm lược, toàn dân Việt Nam đã đứng lên đấu tranh, trong đó những nam thanh niên thì xung phong lên đường ra mặt trận, đấu tranh chống quân thù. Nhưng đâu chỉ có những bậc nam nhi mới có những khát vọng cứu nước và bản lĩnh phi thường nơi chiến trận. Trong chiến tranh thì ngay cả những cô gái chân yếu tay mềm cũng đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ, công việc các cô gái là những cô dân công, chuyên làm công việc hỗ trợ cho chiến đấu. Khắc họa về hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong này. Nhà văn Lê Minh Khuê đã xây dựng hình ảnh của cô thanh niên xung phong Phương Định tuy giản dị nhưng thật đẹp, thật sinh động, mang lại cho người đọc cái nhìn chân thực nhất về những cô gái thời kháng chiến.
Phương Định là một cô gái Hà Nội, mộng mơ và vừa mới bước vào tuổi đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Như bao cô gái trẻ khác, Phương Định cũng rất thích làm đẹp, điệu đà, soi gương hàng tiếng đồng hồ. Giữa không gian dữ dội của chiến tranh, hình ảnh cô thiếu nữ Phương Định thật khiến cho người ta có thêm niềm tin, tiếp thêm nguồn sức trẻ dồi dào từ cô gái ấy. Phương Định cũng là một cô gái trẻ xinh đẹp, dễ thương với “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài loa kèn”, và đặc biệt, theo như lời nhận xét của anh lái xe thì Phương định còn có một vẻ đặc biệt nữa, đó là đôi mắt, “sao mà xa xăm”. Cũng vì sự dễ thương ở ngoại hình, đáng yêu trong tính cách mà Phương Định luôn nhận được những lời thăm hỏi của các anh pháo binh cũng như các anh lái xe.
Với tình cảm của các đồng đội nam dành cho mình, Phương Định luôn trân trọng, bởi suy cho cùng cô cũng chỉ là một cô thiếu nữ mới lớn, vẫn có những khát vọng tình yêu trong trái tim. Nhưng vì chưa thực sự rung động với ai nên Phương Định cũng chỉ khéo léo từ chối tâm ý ấy của các anh. Là một cô gái ngây thơ trong sáng nhưng Phương Định lại rất ý thức đối với việc đấu tranh bảo vệ đất nước, cô đã tự nguyện xung phong vào chiến trường, cùng mọi người tham gia chiến đấu. Công việc của cô cũng vô cùng gian khổ, nơi chiến trường đầy ác liệt. Phương Định cùng hai người đồng đội của mình là Thao và Nho ngày đêm làm công việc lấp hố bom, đảm bảo cho các chuyến xe hành quân vào giải phóng miền Nam.
Không khí dữ dội của chiến tranh, bom đạn của địch ném xuống dải Trường Sơn nhiều như trút, công việc lấp hố bom diễn ra với cường độ thường xuyên, liên tục, một ngày có thể ba đến năm lần đi lấp hố. Công việc này cũng không hề đơn giản, không chỉ đòi hỏi nhiều sức lực mà các cô gái lúc nào cũng đối mặt với hiểm nguy, bởi những quả bom dưới lòng đất ấy có thể nổ bất cứ lúc nào, rồi khi bom chưa nổ thì cần phá bom: “…đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phải phá bom”. Và công việc này lúc nào cũng hết sức căng thẳng, đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ: “…thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu chân chạy mà vấn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ”.
Không khí chiến trường ác liệt, sự nguy hiểm của công việc khiến cho ranh giới giữa sự sống giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh, chỉ cần một sự sơ xuất nhỏ thôi thì tính mạng của các cô gái này có thể bị đe dọa. Hiểu như vậy ta sẽ thấy những cô gái thanh niên xung phong như Phương Định không chỉ có lòng yêu nước mà còn có sự dũng cảm và bản lĩnh mạnh mẽ. Bởi sống trong cái không khí dữ dội như vậy nhưng Phương Định vô cùng yêu đời, khi nhìn thấy mưa đá thì cảm thấy rất thích thú. Phương Định còn là một cô gái có tinh thần trách nhiệm với công việc, khi dùng xẻng để lấp đất, khi va chạm với vỏ quả bom, tạo ra những âm thanh ghê rợn thì Phương Định tự nhủ là phải nhanh chóng làm xong việc bởi nếu quả bom nóng lên từ bên trong hoặc nóng lên do mặt trời thì có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Không chỉ có trách nhiệm cao với công việc mà Phương Định còn rất quan tâm đến đồng đội của mình. Khi Thao và Nho lên cao điểm làm việc, Phương Định ở nhà nhưng lòng thì nóng như lửa đốt, đó chính là sự lo lắng cho đồng đội, nghe thấy tiếng trực thăng, tiếng súng hỗ trợ của các chiến sĩ thì sự lo lắng ấy càng bị nâng lên cao độ, thậm chí cô còn nổi cáu với đội trưởng “Trinh sát chưa về”. Ta có thể thấy sự quan tâm này không chỉ từ tình đồng đội mà còn bởi sự gắn bó như chị em của những cô gái này. Trong cuộc sống gian khổ nơi rừng núi, trong không khí dữ dội của chiến tranh, bão đạn thì tình cảm giữa những cô gái ấy vẫn sáng lên rực rỡ, làm cho người đọc cảm thấy ấp áp.
Phương Định là một cô gái hồn nhiên, yêu đời, cô mang vào chiến trường sức trẻ, nguồn sống dạt dào nên không gian câu chuyện dù là ở nơi chiến trường đầy khốc liệt, công việc của các cô gái này là làm bạn với bom đạn, với hiểm nguy. Nhưng sức sống, niềm tin của Phương Định đã giúp cô vượt qua tất cả, người đọc còn cảm nhận được ở Phương Định những phẩm chất thật đẹp, đó là tinh thần trách nhiệm, tình đồng đội gắn bó keo sơn.