Để vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp nên quan tâm đến ba nhóm giải pháp: nhận thức, năng lực tài chính, bộ máy quản lý môi trường.
> Nhận bài dự thi "Bảo vệ môi trường"
Theo đó, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và trong lĩnh vực thương mại nói riêng, tiến tới thay đổi hành vi của công ty trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp cần chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất: thực hiện đánh giá tác động môi trường. Hầu như các doanh nghiệp đều thuê dịch vụ tư vấn lập báo cáo vì vậy họ không hiểu tác động môi trường là gì, nội dung như thế nào, có trách nhiệm gì hay không. Do đó, doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện báo cáo đánh giá tác động và cam kết bảo vệ môi trường khi có kế hoạch triển khai đầu tư dự án. Các công ty cần vận hành liên tục thiết bị khi đi vào sản xuất, tránh tình trạng vận hành đối phó khi có cơ quan quản lý đến kiểm tra.
Thứ hai: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh có nhu cầu sử dụng nước hoặc các tài nguyên khác để sản xuất, phải làm thủ tục xin cấp phép và xả thải theo quy định của pháp luật.
Thứ ba: Các doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng phương pháp sản xuất sạch để hướng tới sự phát triển bền vững. Công nghệ sạch có thể hiểu là công nghệ không gây ô nhiễm môi trường hoặc phát thải ít chất gây ô nghiễm. Tương tự, nhiên liệu sạch có thể hiểu là các nhiên liệu mà khi sử dụng sẽ không hoặc ít phát thải ra chất gây ô nhiễm môi trường.
Các phương pháp để doanh nghiệp tiến hành cải tiến công nghệ:
Cải tiến nâng cao kỹ thuật của các trang thiết bị xử lý chất thải để nâng cao hiệu quả của công tác, góp phần hạn chế tác nhân gây ô nhiễm môi trường; thay đổi công nghệ độc hại gây ô nhiễm môi trường bằng các công nghệ sạch, ít hoặc không gây ô nhiễm; đầu tư công nghệ xử lý chất thải theo hai hướng: khuyến khích nghiên cứu thiết kế thiết bị, dây chuyền công nghệ có thể sản xuất trong nước đồng thời nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài đảm bảo cho việc xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn về môi trường; xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
Thu hồi và tái sử dụng một số loại chất thải rắn đặc thù trong một số cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao như cơ sở sản xuất thuốc lá, cơ sở dệt may...; hạn chế việc sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm trong sản xuất nhằm giảm đáng kể nguồn gây ô nhiễm.
Đối với những công ty sắp thành lập, cần đưa vào dây chuyền sản xuất hệ thống xử lý chất thải đồng bộ. Trong quá trình hoạt động, công ty cần thực hiện chính sách bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạnh việc đã rồi mới lo xử lý. Hậu quả xảy ra đối với doanh nghiệp rất khôn lường, một là phải ngừng kinh doanh, hai là phải di dời và bắt đầu xây dựng cơ sở mới. Như vậy, chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra còn lớn hơn rất nhiều so với đầu tư hệ thống xử lý môi trường từ ban đầu.
Thực hiện quy trình sản xuất sạch đối với sản phẩm nhằm giảm các rủi ro cho con người và môi trường. Áp dụng phương pháp sản xuất sạch không những hạn chế được ô nhiễm trong nước mà còn giảm được chi phí sản xuất, giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo vệ môi trường...
Thứ tư: Trong xu thế toàn cầu hóa, một trong những vấn đề mà chính các doanh nghiệp của những nước đang phát triển hay gặp phải trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, thâm nhập vào thị trường quốc tế là việc thiếu thông tin. Để khắc phục tình trạng này, trước hết, công ty cần kịp thời cập nhật các quy định pháp luật môi trường trong nước để nắm bắt được những quy định về thuế, phí môi trường; quy định về xử phạt vi phạm hành chính... Đồng thời phải chủ động tìm hiểu những quy định của pháp luật môi trường quốc tế như thông tin về tiêu chuẩn và các biện pháp về sức khỏe hay kiểm dịch được áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm.
Nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp:
Thứ nhất: Các doanh nghiệp có thể đổi mới dây chuyền công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời tạo được chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường.
Thứ hai: Các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh cụ thể và hiệu quả, khai thác tối đa những tiềm lực vốn có của doanh nghiệp, tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ từ Nhà nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu các biện pháp khác nhằm nâng cao năng lực tài chính của mình qua đó có thêm kinh phí đầu tư cho việc bảo vệ môi trường.
Nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường tại doanh nghiệp:
Nhằm hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần quan tâm đến những vấn đề sau:
Thứ nhất: Các doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về môi trường nhằm áp dụng các quy định và quy chuẩn quốc gia và quốc tế của sản phẩm liên quan đến môi trường.
Thứ hai: Các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng tổ chức quản lý môi trường trong doanh nghiệp, chuyên môn hóa cán bộ quản lý môi trường trong doanh nghiệp. Tránh tình trạng cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh, dẫn đến tình trạng không có đủ thời gian cũng như năng lực để thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, để xây dựng một tổ chức quản lý môi trường trong một doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, khâu quan trọng nhất đó là chuẩn bị nhân lực. Đó phải là những người am hiểu các hoạt động của công ty, am hiểu về kỹ thuật cũng như các văn bản pháp luật, có năng lực khoa học công nghệ và môi trường, am hiểu về hệ thống tiêu chuẩn môi trường... Ngoài ra, họ cũng có khả năng vận hành các hệ thống xử lý, phân tích kiểm tra mức độ đảm bảo tiêu chuẩn môi trường của sản phẩm và chất thải, có khả năng đánh giá tác động môi trường trong suốt quy trình sản xuất của công ty; kế hoạch để thường xuyên tiếp cận kịp thời với các thông tin về thị trường liên quan đến yếu tố môi trường của sản phẩm