Sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long đã chọn Đà Nẵng làm nơi đón tiếp các sứ thần đến quan hệ ngoại giao, thương mại... Từ đây, cảng Đà Nẵng trở thành hải cảng chính thức và duy nhất thực thi chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn với các nước đến quan hệ qua đường biển.
Chọn Đà Nẵng làm cửa ngõ giao thương, mục đích của nhà Nguyễn là bảo đảm an ninh quốc gia, giám sát hoạt động của các giáo sĩ phương Tây, nghe ngóng tình hình của các nước trong khu vực và thế giới, tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Giống như các chúa Nguyễn trước đây (9 đời chúa Nguyễn), đối với các nước trong khu vực Châu Á, nhà Nguyễn có quan hệ thân thiện hữu nghị với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á; đối với các nước phương Tây là Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan... Tuy nhiên, nhà Nguyễn chỉ cho tiếp các nước phương Tây tại Đà Nẵng với những điều kiện hết sức chặt chẽ, khắt khe tùy theo mối quan hệ ấm lạnh, mà nguyên nhân của chính sách này là do hoạt động do thám của tàu thuyền các nước phương Tây và các giáo sĩ ở nước ta mà ra.