Quá trình nước xâm nhập vào tế bào, vận chuyển nước trong cây và thoát hơi nước từ lá. Quá trình vận chuyển nước trong cây được thực hiện qua hệ thống ống dẫn, mao quản của hệ thống mạch dẫn đi qua các tế bào sống bằng thẩm thấu. Con đường đi của nước qua hệ thống ống dẫn theo thứ tự: nước hút vào từ rễ bằng lông hút vào tầng tế bào biểu bì; sau đó đến mạch dẫn của rễ rồi lên mạch dẫn của thân, cành, lá và sau cùng nước lên gân lá vào tế bào thịt lá và thoát ra ngoài qua khí khổng. Việc thoát hơi nước thực hiện qua toàn bộ bề mặt lớp cutin phủ lên biểu bì và khí khổng. Tỉ lệ của hai hình thức thoát hơi nước phụ thuộc vào loài, tuổi, đặc điểm giải phẫu và hình thái của bộ lá và nhóm sinh thái của cây. Vd. ở cây non, lượng nước thoát ra ở khí khổng và bề mặt lá bằng nhau; ở cây già, lượng nước thoát ra ở khí khổng gấp 10 - 20 lần qua bề mặt lá.
Để lượng nước trong cây luôn được cân bằng, cây cần phải có những đặc điểm: hệ thống rễ phát triển tốt để hút nước nhanh, nhiều từ đất; hệ mạch dẫn phát triển tốt để dẫn nước đã hút lên cơ quan thoát hơi nước; hệ mô bì phát triển tốt để hạn chế sự thoát hơi nước của cây ở một mức độ nào đó. Nhu cầu nước của cây rất lớn, vd. một cây ngô cần đến 200 kg nước hoặc hơn nữa trong chu trình sống; trong những ngày hè nóng lượng nước thoát qua lá lớn hơn rất nhiều. Nhu cầu nước của cây phụ thuộc vào từng điều kiện sinh thái cụ thể: cây ở vùng nhiệt đới cần nhiều nước hơn cây ở vùng ôn đới, cây trồng cạn cần ít nước hơn cây trồng nước. Biết được quá trình TĐNCTV giúp cho quá trình tưới tiêu hợp lí, tiết kiệm nước và bảo đảm năng suất cây trồng.