Khu căn cứ cách mạng K20 là khu căn cứ bí mật, độc đáo nằm giữa lòng địch, một trong những căn cứ cách mạng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, di tích K20 được TP Đà Nẵng triển khai đầu tư hơn 36 tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo, trong đó xây dựng một số hạng mục công trình tại khu vực này như san lấp, nâng cốt nền, xây dựng đường nội bộ, hồ điều tiết nước, bãi đậu xe, công viên, điện chiếu sáng công cộng, nước sinh hoạt. Di tích này đã được thành phố và quận Ngũ Hành Sơn giao cho Ban Quản lý (BQL) Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích và khai thác dịch vụ du lịch. Theo BQL Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, có một số hạng mục trong vùng di tích đã được trùng tu tôn tạo như nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh, nhà ông Huỳnh Trưng, nhà truyền thống K20, Miếu Tiến sỹ, tuyến đường giao thông số 1 và giao cho Tổ quản lý Di tích K20 tiếp quản, khai thác, sử dụng. Trong thời gian qua, Di tích K20 đã đón nhiều lượt khách đến tham quan, trở thành địa chỉ học tập, giáo dục truyền thống yêu nước của hàng ngàn học sinh, người dân địa phương.Là chứng tích lịch sử quan trọng, và tương lai sẽ thành điểm đến của du lịch về nguồn, tuy nhiên, để di K20 thành nơi thu hút du khách, phát huy ý nghĩa lịch sử thì vẫn còn là điều khó khăn. Hiện nay, trong vùng di tích có khoảng trên 30 hộ dân cư trú, nhà dân hầu hết là nhà cấp 4, gần đây một số nhà dân đã cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới dưới dạng kiên cố bằng bê tông cốt thép nên đã ảnh hưởng nhiều đến ý nghĩa, mỹ quan của khu di tích. Nói chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân sống gần đó cho biết: “Trước đây cũng dự kiến giải tỏa những hộ dân quanh đây, tuy nhiên bây giờ thì vẫn để cho người dân ở lại. Tuy nhiên việc xây cất những công trình mới quanh khu di tích khiến cảnh quan di tích bị trộn lẫn, phá vỡ. Thành phố đã nâng nền cho các hộ dân, đất đai thuộc sổ đỏ của họ, họ xây dựng đúng quy định nên cũng không có lý do gì để nhắc nhở. Hiện nay đất ở đây có giá trị nhiều nên người dân quay lại sinh sống, chia cho con cái và xây dựng nhiều công trình mới. Về việc phục dựng, những người già ở đây cũng đã họp 3 lần nhưng chưa đi đến thống nhất” - bà Hoa nói.Trầm ngâm bên chiếc hầm lịch sử, ông Trưng cũng tiếc nuối: “Các lũy tre bao bọc xung quanh làng trước đây không còn nữa, địa đạo xóm Đồng đã bị xóa dấu vết hoàn toàn. Nhiều hầm bí mật tại các nhà dân cũng đã bị biến dạng không còn giữ lại nguyên trạng như xưa”.