“Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" là bản cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân thế giới, là tác phẩm lý luận tổng kết toàn bộ quá trình hình thành chủ nghĩa Mác, trình bày những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác, thế giới quan khoa học của giai cấp vô sản. Tác phẩm này do Các Mác (05/5/1818 - 14/3/1883) và Phê-đê-rích Ăng-ghen (28/11/1820 - 05/8/1895) soạn thảo vào cuối năm 1847, được công bố vào tháng 02 năm 1848 và xuất bản vào tháng 3/1848.
Mục đích của tác phẩm như C.Mác và Ph. Ăng-ghen đã chỉ rõ: "Hiện nay đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, ý đồ của mình và phải có một Tuyên ngôn của Đảng của mình để đập lại một câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản".
Vào những năm 40 của thế kỷ XIX, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN) đã thống trị ở Anh, Pháp và trong một chừng mực nào đó ở Đức. Ở nhiều nước Tây Âu, quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB) diễn ra khá mạnh mẽ. Những mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản ngày càng gây gắt. Mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất TBCN đã trở nên không thể điều hòa được. Những mâu thuẫn giai cấp vốn có của CNTB mà trước hết là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản ngày càng gay gắt.
Do đó, ở thời kỳ này, phong trào vô sản đã phát triển mạnh mẽ và giai cấp vô sản ngày càng chứng tỏ là một lực lượng xã hội to lớn, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của quốc gia. Giữa những năm 40 của thế kỷ XIX, trung tâm của phong trào cách mạng chuyển sang nước Đức. Giai cấp vô sản Đức tiến hành cuộc đấu tranh của mình nhưng sự giác ngộ của họ còn yếu kém. Giữa lúc đó, Mác và Ăng-ghen nhận thức sâu sắc rằng: cần phải làm cho giai cấp vô sản trở thành một lực lượng độc lập và làm cho họ tiến gần tới việc thực hiện những mục đích của cộng sản chủ nghĩa. Tại Luân Đôn (thủ đô nước Anh) tổ chức "Liên minh những người chính nghĩa" ra đời năm 1836 và cuối năm 1847 họp Đại hội lần thứ hai. Mác và Ăng-ghen được ủy nhiệm soạn thảo Cương lĩnh dưới hình thức một bản tuyên ngôn.
Mác và Ăng-ghen đã tập trung sức lực, trí tuệ để hoàn thành "Tuyên ngôn Đảng cộng sản" trong một thời gian rất ngắn và lần đầu tiên được xuất bản tại Luân Đôn. Ít lâu sau, Tuyên ngôn được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng ở nhiều nước khác nhau và mỗi lần tái bản được dịch sang một thứ tiếng khác đều được tác giả viết lời tựa mới.
Tuyên ngôn được trình bày làm 4 chương với nội dung rất phong phú và cô đọng. Chương I: Những người tư sản và những người vô sản. Chương II: Những người vô sản và những người cộng sản. Chương III: Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Chương IV: Thái độ của những người cộng sản với các đảng đối lập.
Phần mở đầu tác phẩm này có đoạn nói: "Chủ nghĩa cộng sản đã được tất cả các thế lực ở châu Âu thừa nhận là một thế lực… Những người cộng sản thuộc các dân tộc khác nhau đã họp ở Luân Đôn và thảo ra bản Tuyên ngôn dưới đây, công bố bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Phơ-la-măng và tiếng Đan Mạch." Cuối tác phẩm có ghi khẩu hiệu chiến đấu của những người cộng sản: "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!".
Tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn lao. Đó là một văn kiện có tính chất cương lĩnh (cả về lý luận và thực tiễn) đầu tiên của Đảng cộng sản, soi sáng cho giai cấp công nhân ở tất cả các nước con đường đấu tranh thoát khỏi ách nô lệ Tư bản chủ nghĩa, tiến tới một xã hội Cộng sản chủ nghĩa văn minh và tốt đẹp hơn. Năm 1888, Ăng-ghen đã chỉ rõ rằng: "Tuyên ngôn là tác phẩm phổ biến hơn cả, có tính chất quốc tế hơn cả trong tất cả các văn phẩm XHCN, đó là cương lĩnh chung của hàng triệu công nhân từ Si-bê-ri-a (lãnh thổ rộng lớn thuộc Nga) đến Ca-li-phót-ni-a (thành phố thuộc Mỹ). Lênin (1870 - 1924) viết: "Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng ngàn bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thế giới giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh".
Trong thời đại ngày nay, các thế lực phản động quốc tế đang dùng mọi thủ đoạn để tấn công vào chủ nghĩa Mác. Lợi dụng cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội thế giới hiện nay, chúng ra sức phủ nhận tính đúng đắn của các nguyên lý mác-xít mà phần lớn được trình bày ở trong bản Tuyên ngôn này.
Ở Việt Nam, ngay từ những năm 1929 - 1930, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã được các chiến sĩ Cộng sản nghiên cứu và phổ biến cho nhau. Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và với những nguyên lý của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Những thắng lợi lịch sử của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chứng tỏ rằng, Đảng ta luôn vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và điều kiện cụ thể của nước ta.