Em tham khảo nhé:
DÀN Ý CHI TIẾT
Đề 1 (trang 191 SGK Ngữ văn 9, tập 1):
Hãy kể về một lần em trót xem trộm nhật kí của bạn
Mở bài:
– Trong cuộc sống, có đôi khi chúng ta sẽ mắc phải những sai lầm mà không tự mình ý thức được.
– Với tôi, đó là một lần trót xem trộm nhật kí của bạn.
Thân bài:
– Kể lại tình huống dẫn đến việc xem trộm nhật kí của bạn: Đến nhà bạn học nhóm; cầm hộ bạn cặp sách… vô tình nhìn thấy quyển nhật kí của bạn.
– Kể lại cuộc đấu tranh nội tâm: Có nên xem hay không? Bao biện cho bản thân: Xem để hiểu thêm về bạn, sự tò mò đã chiến thắng, quyết định cầm quyển nhật kí rồi mở ra xem (kể đan xen với miêu tả nội tâm bằng ngôn ngữ độc thoại).
– Kể lại một số nội dung được ghi trong nhật kí: Hoàn cảnh khó khăn hiện tại của gia đình bạn? Suy nghĩ của bạn về tình bạn, tình thầy trò?
– Kể lại tâm trạng: Hiểu bạn, vỡ lẽ ra nhiều điều, tự trách bản thân mình, ân hận vì hành động vội vàng, thiếu văn minh của mình, thấy xấu hổ, thầm xin lỗi bạn (kể đan xen với bộc lộ nội tâm qua ngôn ngữ độc thoại).
Kết bài:
– Tìm cảm với người bạn sau sự việc ấy.
– Rút ra bài học ứng xử cho bản thân và sửa chữa sai lầm.
Đề 2 (trang 191 SGK Ngữ văn 9, tập 1):
Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.
Mở bài:
Giới thiệu nhân vật và tình huống truyện
Em gặp người lính trong hoàn cảnh nào?
Thân bài:
- Kể lại tình huống được gặp gỡ, trò chuyện với người lính lái xe (Nhà trường tổ chức cho lớp đi thăm nghĩa trang Trường Sơn ngày 27-7. Ở đó, tôi được biết người quản trang chính là người lính Trường Sơn năm xưa…)
- Miêu tả người lính đó (ngoại hình, tuổi tác,…)
- Kể lại diễn biến cuộc gặp gỡ và trò chuyện:
+Tôi hỏi bác về những năm tháng chống Mỹ khi bác lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.
+Người lính kể lại những gian khổ mà bác và đồng đội phải chịu đựng: sự khốc liệt của chiến tranh, bom đạn của kẻ thù làm xe bị vỡ kính, mất đèn, không mui.
+Người lính kể về tinh thần dũng cảm, về tư thế hiên ngang, niềm lạc quan sôi nổi của tuổi trẻ trước bom đạn kẻ thù, trước khó khăn, gian khổ -> Những suy nghĩ của bản thân (xen miêu tả nội tâm + Nghị luận)
Kết bài:
- Chia tay người lính lái xe.
- Suy nghĩ về cuộc gặp gỡ, trò chuyện:
+ Những câu chuyện người lính kể cho tôi nghe tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm của tôi.
+ Tôi khâm phục và tự hào về thế hệ cha ông anh dũng, kiên cường đánh giặc và làm nên chiến thắng vẻ vang.
+ Tôi thấm thía hơn giá trị thiêng liêng của chủ quyền tự do, độc lập mà dân tộc ta đã đổ bao xương máu mới giành được.
+ Liên hệ với bản thân: phấn đấu học tập, tu dưỡng.
BÀI LÀM CHI TIẾT
Đề 1: Hãy kể về một lần em trót xem trộm nhật kí của bạn
Bài làm
Mỗi người đều sẽ có những tâm tư, nỗi niềm và có nhiều người cất điều đó vào trong nhật kí, giữ cho mình một chút riêng tư, một khoảng lặng để suy ngẫm giữa tất bật bộn bề - nơi thực sự yên tĩnh và không ai có thể xâm phạm. Vậy mà tôi lại đi đọc nhật ký của người bạn thân nhất của mình. Đó thực sự là một sai lầm của tuổi mới lớn cứ khiến tôi dằn vặt, trăn trở mãi.
Hà là cô bạn gái thân thiết nhất của tôi. Chúng tôi ngồi cùng bàn nên rất tự nhiên, trở thành bạn thân từ lúc nào không hay. Thế nhưng, tính cách của Hà lại trái ngược hẳn với tôi. Tôi tự thấy mình là một đứa lạc quan, yêu đời còn lũ bạn vẫn bảo tôi nhắng nhít, “ruột để ngoài da”. Có lẽ vì tôi khá cởi mở, có chuyện gì tôi lên lớp cũng oang oang hết cho lũ bạn nghe và đương nhiên tôi không có khái niệm viết nhật kí. Trái lại với tôi, cô bạn cùng bàn lại là một người trầm tính, e dè, ít nói. Bạn tôi hiền lành và thường chỉ ngồi cười mỗi khi tôi pha trò. Dù hai đứa chơi thân với nhau đã lâu, nhưng cái cảm giác chưa hiểu hết về Hà luôn thôi thúc trong tôi ý muốn tìm hiểu thêm về Hà bằng mọi cách. Sự tò mò ấy đã khiến tôi phạm phải một lỗi lầm không thể tha thứ được. Đó là xem trộm nhật ký của Hà.
Hôm ấy, tôi và Hà cùng hẹn nhau học nhóm tại nhà bạn ấy. Tôi đến nơi thì Hà đang loay hoay dưới bếp làm bánh cho chúng tôi. Tôi liền lên phòng bạn trước. Cả một tủ sách khiến tôi hoa mắt. Tôi phát hiện ra một khe hở nhỏ cạnh kệ sách, tôi tò mò lôi từ đó ra một quyển sổ nhỏ và mở ra xem. Không! Tôi vội vàng gập lại và định để vào chỗ cũ. Nhưng tôi lại ngập ngừng, tôi muốn biết thêm về Hà, muốn biết Hà ghi nhật kí như thế nào? Muốn biết cuộc sống đằng sau đôi mắt trầm dưới hàng mi cong ấy như thế nào? Tôi không kìm được tay mình và đã cố gắng nhưng mắt tôi vẫn dán vào. Sau vài trang đã đọc được, tôi thốt lên "Trời ơi! lẽ nào cuộc sống của Hà là như vậy?" Tôi giật thót tim khi nghe tiếng bước chân Hà bước lên cầu thang. Tôi vội vàng cất quyển nhật ký vào chỗ cũ rồi giả vờ như đang đọc cuốn sách toán một cách chăm chú. Lúc ấy, tim tôi đập nhanh ghê lắm. May mà Hà không phát hiện ra.
Suốt buổi hôm ấy, tôi chẳng thể tập trung vào học được. Tôi lén nhìn gương mặt của bạn tôi. Có lẽ vì chơi thân với nhau khá lâu nên tôi và Hà trông hơi giống nhau, cùng làn da trắng mịn, cùng mái tóc đen dài thẳng mượt. Điều duy nhất khác biệt giữa hai chúng tôi là đôi mắt, cửa sổ tâm hồn. Mọi người đều bảo đôi mắt tôi tròn xoe, luôn ánh lên những nét rạng rỡ khi có niềm vui. Còn đôi mắt Hà thì rất đẹp với đôi hàng mi cong vút, nhưng lúc nào cũng đượm buồn. Chỉ cần đọc cuốn nhật ký ấy thì tôi đã có thể biết được hết những gì ẩn chứa trong đôi mắt của bạn tôi.
Trước nay tôi cứ nghĩ Hà sống trong một gia đình giàu có sung túc. Hà thường kể cho tôi về người cha hay đi nước ngoài công tác nhưng sự thực là bạn ấy cũng không biết được cha mình là ai. Mẹ Hà không cho bạn biết điều đó, chắc có nỗi khổ riêng. Có lẽ điều này luôn khiến Hà suy tư, còn tôi thì lại vô tâm cứ hồn nhiên hỏi han về cha của bạn. Đã có lần tôi lại còn buột miệng chê Hà lúc nào cũng buồn rầu, trông chán chết! Có lẽ Hà buồn tôi lắm.
Buổi tối hôm đó về nhà, tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ mãi. Vừa cảm giác tội lỗi khi xem trộm nhật kí của bạn vừa áy náy về những câu nói hồn nhiên quá mức của mình. Nhưng nhờ có đọc cuốn nhật kí đó mà tôi mới hiểu bạn của mình hơn. Từ đó tôi cũng tự nhắc mình rằng mỗi người đều sẽ có những khoảng trời riêng mà chúng ta phải tôn trọng nên tôi không bao giờ được xem trộm nhật kí của bất kì ai nữa, đó là một hành động không tốt. Hà mãi không biết được hành động xấu của tôi nhưng có một điều mà cả tôi và Hà đều biết. Đó là hai đứa đã là bạn tri kỷ của nhau rồi.
Thế là sau bao suy nghĩ sai lầm, thật may mắn rằng điều đó đã dẫn đến một tình bạn đẹp nhất mà chúng tôi từng có. Nhưng chắc chắn rằng nếu có lần sau, tôi sẽ không bao giờ phạm phải cái sai lầm rất lớn là đọc trộm nhật ký của ai đó. Mỗi người đều có một khoảng trời riêng mà chúng ta phải tôn trọng. Sự thiện chí và chân thành sẽ giúp con người dần hiểu nhau và yêu thương nhau nhiều hơn.
Đề 2: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.
Bài làm
Tôi luôn tin rằng mọi sự gặp gỡ trên đời đều là một cái duyên lành. Dù người mà chúng ta gặp có ở lại lâu trong cuộc sống của mình hay chỉ đến thoáng chốc rồi đi ngay thì tất cả đều là sự sắp xếp đầy ngụ ý của ông trời. Và những mối lương duyên đó đều sẽ cho chúng ta những bài học để hoàn thiện mình hơn. Hôm nay tôi muốn kể lại mối duyên lành đã cho tôi gặp gỡ người lính năm xưa bằng da bằng thịt chứ không phải trên những trang sách hay đài báo, ti vi. Đó là người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện ấy đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm của tôi.
Chiến tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược kết thúc cách đây đã gần nửa thập kỉ, nhưng ấn tượng về một thời đau thương và oanh liệt đã khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, không thể nào quên. Và cho đến thời nay, ta hạnh phúc hít thở bầu không khí hòa bình này nhưng vẫn không bao giờ quên một thời lửa đạn, bởi vậy mà Tổ quốc luôn ghi công những anh hùng có công với cách mạng. Nhân ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam 27/7, trường chúng tôi có buổi tổ chức cho học sinh đi thăm nghĩa trang Trường Sơn. Tại đây tôi được biết người quản trang chính là người lính Trường Sơn năm xưa và đặc biệt hơn, đó là một trong những người lính sôi nổi, lạc quan trong bản hùng ca Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
Đó là một người đàn ông trạc tuổi ông nội tôi, ông có thân hình cao, gầy, làn da rắn rỏi và dù tuổi cao nhưng trong ông vẫn toát lên phong thái nghiêm nghị, bản lĩnh của một người lính từng vào sinh ra tử trên tuyến đường Trường Sơn lửa đạn.
Ông dẫn tôi tới quan sát chiếc xe gần hơn; lần đầu tiên, tôi được chiêm ngưỡng tận mắt một chiếc xe tải quân sự. Quả lả một chiếc xe "trần trụi": không có kính, lại không có cả đèn, không có mui, thùng xe lại còn xước. Sinh ra và lớn lên tại thủ đô trong thời bình, từ bé tôi chỉ bắt gặp những chiếc ô tô lành lặn, nước sơn sạch bóng, nội thất khang trang; không ngờ một chiếc xe tróc sơn, hỏng hóc nặng nề như thế này vẫn có thể hiên ngang lướt đi và mang theo biết bao súng đạn, lương thực chi viện. Thật là một chuyển động kì diệu! Đang tròn mắt ngạc nhiên vì thán phục, bỗng ông chiến sĩ vỗ vai tôi, trầm giọng kể: “Chiến trường khốc liệt lắm cháu ạ! Hằng ngày máy bay Mĩ trút hàng ngàn tấn bom đạn cày xới, phá hoại Trường Sơn hòng cắt đứt chi viện của ta. Các trọng điểm lúc nào cũng mịt mù khói lửa, bom rơi.”
Người chiến sĩ kể với tôi rằng cuộc kháng chiến của dân tộc ta vô cùng ác liệt, những con đường huyết mạch nối giữa miền Nam và miền Bắc lại là nơi ác liệt nhất. Bom đạn của giặc Mỹ ngày đêm dội xuống những con đường này nhằm cắt đứt sự tiếp viện của miền Bắc cho miền Nam. Trong những ngày tháng đó ông chính là người lính lái xe làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược... trên con đường Trường Sơn này. Bom đạn của giặc Mỹ đã biến cho những chiếc xe của các ông không còn kính nữa. Nghe ông kể, tôi mới hiểu rõ hơn về sự gian khổ ác liệt mà những người lính lái xe phải chịu đựng ngày đêm. Nhưng không phải vì thế mà họ lùi bước, họ vẫn ung dung lái những chiếc xe không kính đó băng băng đi tới trên những chặng đường. Họ nhìn thấy đất, nhìn thấy trời, thấy cả ánh sao đêm, cả những cánh chim sa, họ nhìn thẳng về phía trước, phía ấy là tương lai của đất nước được giải phóng, của nhân dân được hạnh phúc, tự do.
Trầm tư một lát, ông kể không có kính cũng thật bất tiện nhưng họ vẫn lái những chiếc xe đó, bụi ùa vào làm những mái tóc đen xanh trở nên trắng xóa như người già, nhưng các ông thời đó cũng chưa cần rửa rồi nhìn nhau cất tiếng cười ha ha. Ôi! tiếng cười của ông cha ta thời ấy sao thật nhẹ nhõm. Gian khổ ác liệt, bom đạn của kẻ thù đâu có làm ông cha ta nản chí, sờn lòng. Ta thật hãnh diện, tự hào về tuổi trẻ của một thời bom đạn! Những chiếc xe không kính lại tiếp tục băng băng trên những tuyến đường ra trận, gặp mưa thì phải ướt áo thôi. Mưa cứ tuôn cứ xối nhưng họ vẫn chưa cần thay áo và cứ ráng lái thêm vài trăm cây số nữa, vượt qua những chặng đường ác liệt, đảm bảo an toàn cho những chuyến hàng rồi họ nghĩ mưa sẽ ngừng, gió sẽ lùa vào rồi áo sẽ khô mau thôi. Đó là tinh thần lạc quan luôn khiến tôi ngưỡng mộ, tự hào!
Khi được học "Bài Thơ Về Tiểu Đội Xe Không Kính" tôi cứ luôn suy nghĩ rằng những khó khăn gian khổ ác liệt đó chỉ có nhân vật trong bài thơ mới vượt qua được nhưng đó là những suy nghĩ sai lầm của tôi bởi được gặp, được trò chuyện với người chiến sĩ lái xe năm xưa, tôi mới hiếu rõ hơn về họ. Họ vẫn vui tươi, tinh nghịch. Bom đạn của giặc Mỹ ngày đêm nổ sát bên tai phá hủy con đường, cái chết luôn rình rập, nhưng những người lính năm xưa vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Ông lại kể cho tôi nghe trên những cung đường vận chuyển đó ông luôn được gặp những người bạn, những người đồng đội của mình. Có những người còn, có những người đã hy sinh... Trong những giây phút gặp gỡ hiểm hoi đó, cái bắt tay qua ô cửa kính vỡ đã làm cho tình đồng đội của họ thấm thiết hơn rồi những bữa cơm bên bếp Hoàng Cầm với những cái bát, đôi đũa dùng chung, quây quần bên nhau như một đại gia đình của những người lính lái xe Trường Sơn. Rồi những giây phút nghỉ ngơi trên chiếc võng đu đưa, kể cho nhau nghe sự ác liệt của những cung đường đã đi qua là những phút giây ấm áp tình đồng chí.
Sự dũng cảm của các chiến sĩ thanh niên xung phong luôn đảm bảo cho những chuyến xe thông suốt. Đúng là con đường của họ đang đi, nhiệm vụ của họ đang làm vô vùng nguy hiểm. Bom đạn Mỹ hạ xuống bất cứ lúc nào, cả ngày lẫn đêm. Những chiếc xe ấy không chỉ mất kính mà còn mất cả đèn, rồi không có mui xe, thùng xe rách xước, những thiếu thốn này không ngăn cản được những chiếc xe vẫn chạy băng băng về phía trước, phía trước ấy là miền Nam ruột thịt. Nghĩ đến hình ảnh những chiếc xe băng băng về phía trước tôi lại nghĩ đến những người lính lái xe. Họ thật dũng cảm, hiên ngang, đầy lạc quan, có chút ngang tàng nhưng họ sống và chiến đấu vì Tổ Quốc, vì nhân dân. Những chuyến hàng của họ đã góp phần tạo nên chiến thắng của dân tộc ta: chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhiều khi tất cả cùng ca hát, mìm cười rồi vỗ tay, truyền cho nhau nhiệt tình cách mạng và yêu thương, xua tan đi khó nhọc. “Tình đồng chí, đồng đội thật đẹp quá, cháu ạ!”. Đúng là đẹp thật! Quả đúng là "Chỉ cần trong xe có một trái tim"! Những người chiến sĩ cùng chung niềm tin, lí tưởng, sát cánh bên nhau. Họ truyền sức mạnh và hơi ấm cho nhau, để cùng nhau chiến đấu vì miền Nam ruột thịt.
Tôi và người chiến sĩ chia tay nhau sau cuộc gặp gỡ và nói chuyện đầy ý nghĩa. Tôi khâm phục những người lính lái xe bởi tình yêu nước, ý chí kiên cường của cha ông tôi và tôi hiểu rằng thế hệ chúng tôi luôn phải ghi nhớ công ơn của họ, cần phải phấn đấu trở thành công dân gương mẫu, nắm vững khoa học, kĩ thuật để xây dựng một đất nước văn minh, hiện đại – xứng đáng với mồ hôi và xương máu mà cha ông tôi đã bỏ ra để đổi lấy một đất nước vẹn tròn.