-Học thuyết về hình thái kinh tế xã hội mà C.Mác đã nghiên cứu - xây dựng, cùng với đó là sự vận dụng học thuyết vào việc phân tích xã hội Tư bản hiện thời đã giúp Ông vạch ra các quy luật vận động phát triển của xã hội và đi đến kết luận đầy tính khoa học về sự ra đời của hình thái kinh tế xã hội cao hơn - hình thái chủ nghĩa Cộng Sản, mà giai đoạn đầu là Chủ nghĩa xã hội. Nếu tính từ những mầm móng xuất hiện đầu tiên của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa từ cuối hậu kỳ trung đại, thì hình thức xã hội Tư bản chủ nghĩa ra đời trên dưới 5 thế kỷ. Chỉ tính từ khi cuộc Cách mạng tư sản Nê-đéc-len thì phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được hình thành cũng được gần 4 thế kỷ. Còn Chủ nghĩa xã hội khoa học thì sao? Lịch sử đã chứng minh Chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ có hơn 150 năm, và từ khi Cách mạng tháng Mười Nga, nhà nước Xã hội chủ nghĩa đầu tiên được thành lập cho đến ngày nay cũng chỉ mới hơn 90 năm. Thành công của cách mạng Tháng Mười khẳng định rằng chỉ có cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của một Đảng dựa trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin giành chính quyền về tay giai cấp vô sản mới thực sự đem lại quyền lợi cho người lao động. Cách mạng Tháng Mười thành công đã hiện thực hóa lý tưởng về một xã hội mới – Xã hội chủ nghĩa, mà trước đó chỉ là những ước mơ, chứng minh trên thực tế luận điểm về: sụp đổ tất yếu của Chủ nghĩa tư bản và loài người sẽ quá độ sang một xã hội mới mà ở đó không còn người bóc lột người, và nó còn không chỉ hiện thực hóa mục tiêu cách mạng là giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, xóa bỏ chế độ tư hữu, mà còn khẳng định con đường giải phóng triệt để nhân dân lao động trên thế giới, khẳng định vai trò, sứ mệnh của lực lượng cách mạng thực hiện sự nghiệp giải phóng và xây dựng xã hội của giai cấp công nhân. Sau cách mạng Tháng Mười, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhân dân Xô viết vượt qua nhiều khó khăn thử thách, với sự hy sinh to lớn cả về người và của tiếp tục bảo vệ và phát triển những lý tưởng về chủ nghĩa xã hội, phát triển Chủ nghĩa xã hội trong hiện thực.
-Lịch sử thế giới hiện đại được mở đầu bằng sự kiện Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã dẫn đến sự ra đời của nhà nước Xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới- nước Nga Xô viết nằm giữa vòng vây của các nước thù địch. Và như vậy, đặc điểm lớn của lịch sử thế giới hiện đại đó là Chủ nghĩa xã hội đã đập tan sự thống trị, riêng biệt của Chủ nghĩa tư bản trên vũ đài chính trị quốc tế. Tuy vậy muốn khẳng định giá trị và sự tồn tại có ý nghĩa của mình, Chủ nghĩa xã hội sẽ trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh với Chủ nghĩa tư bản. Thực tế cuộc đấu tranh này sẽ diễn ra rất lâu để phân định được kết quả cuối cùng, nhưng ta có thể chắc chắn một điều, Chủ nghĩa xã hội không thể diệt vong, nó sẽ đi vào giai đoạn mới cùng tồn tại trong cạnh tranh và cùng đấu tranh hợp tác với Chủ nghĩa tư bản. Trong 100 năm của thế kỉ XX, các nước Xã hội chủ nghĩa từ không đến có, từ một nước phát triển thành nhiều nước, giành được nhiều thành tựu huy hoàng, thay đổi cả bộ mặt thế giới một cách lớn lao. Khi đó, Chủ nghĩa xã hội được xây dựng theo mô hình kế hoạch hoá tập trung. Một mô hình đã phát huy tác dụng và vai trò tích cực nhất định trong khoảng thời gian dài của lịch sử. Nhưng cho đến những năm của 80 của thế kỉ XX, tình hình thế giới đã có những thay đổi sâu sắc thì mô hình nay rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, dẫn đến sự sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội của Đông Âu và Liên Xô. Từ đó, làm xuất hiện các quan điểm phủ nhận chế độ Xã hội chủ nghĩa cũng như khẳng định sự trường tồn vĩnh viễn của Chủ nghĩa tư bản. Nhưng rõ ràng cuộc khủng hoảng đó chỉ bác bỏ mô hình xây dựng Chủ nghĩa xã hội theo kiểu Liên xô và Đông Âu lúc bấy giờ là không phù hợp, chứ không thể là sự bác bỏ hoàn toàn Chủ nghĩa xã hội với tư cách là xã hội cao hơn Xã hội tư bản chủ nghĩa. “Mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết là một kiểu tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế muốn sớm khắc phục những khuyết tật của Chủ nghĩa tư bản, muốn nhanh chóng xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp hơn, một phương thức sản xuất văn minh, hiện đại hơn chủ nghĩa tư bản”[1]. Đó là một ý tưởng tốt đẹp, và trên thực tế suốt hơn 70 năm tồn tại, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu vĩ đại, làm thay đổi hẳn bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân Liên Xô. Nhưng có lẽ do nôn nóng, làm trái quy luật (muốn xóa bỏ ngay kinh tế hàng hóa, áp dụng ngay cơ chế kinh tế phi thị trường), không năng động, kịp thời điều chỉnh khi cần thiết nên kết quả đã không thành công.
-Nghiên cứu và học tập về nước Nga Xô viết giai đoạn này dưới góc độ của khoa học Lịch sử, ta không thể không nói đến chính sách kinh tế mới (NEP) một chính sách kinh tế đã đem lại những thắng lợi bước đầu trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ơ nước Nga- Liên xô. Những thành công đó đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, gắn liền với tên tuổi Lenin. Sẽ là không ngoa khi ta nói, “nếu không hiểu về chính sách kinh tế mới (NEP) ta sẽ không hiểu gì về lịch sử nước Nga Xô viết giai đoạn đầu của quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội”. Ngày nay tất cả các nước đang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong chế độ xã hội khác nhau, kinh tế thị trường được sử dụng với mục đích khác nhau. Nếu như ở các nước tư bản chủ nghĩa thì đó là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, còn ở nước ta thỉ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Và như vậy, chính cuộc khủng hoảng đó đã giúp cho chúng ta có thời gian để nhận thức rõ hơn về Chủ nghĩa xã hội và con đường tiến đến Chủ nghĩa xã hội. Nếu như cách mạng công nghiệp thế kỉ XVIII- XIX đã khẳng định vị thế và sự xác lập của phương thức sản xuất mới đó là Chủ nghĩa tư bản đối với chế độ Phong kiến thì rõ ràng cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật ngày nay đang tạo nên những tiền đề vật chất để thay thế Chủ nghĩa tư bản bằng Chủ nghĩa xã hội tiến bộ hơn. Ngay từ khi học môn Lịch sử thế giới hiện đại, em đã có những thắc mắc về vấn đề liên quan đến quá trình xây dựng mô hình Xã hội chủ nghĩa ở nước Nga- Xô viết, và khi nhắc đến giai đoạn đầu của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nước Nga-Liên Xô lúc này ta lại không thể bỏ qua chính sách khinh tế mới (NEP). Và đến khi được học chuyên đề “Đường Lối Đổi Mới Ở Việt Nam” Thì những vấn đề liên quan đến chính sách ấy lại tăng lên. Một điều hiển nhiên, để tiến hành đổi mới đất nước, đưa nền kinh tế phát triển một cách cân đối, cân bằng với sự phát triển về xã hội buộc các nhà lãnh đạo phải có cái nhìn sáng suốt, nghiên cứu một cách ngiêm túc những lý luận về Chủ nghĩa Xã hội cũng như thực tiễn quá trình xây dựng mô hình phát triển kinh tế của các nước đi trước mà tiêu biểu là nước Nga Xô viết “Đưa ra và luận giải những nội dung căn bản trong chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin, đồng thời chỉ rõ ý nghĩa to lớn của nó không chỉ đối với công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở nước Nga-Xô viết đầu những năm 20 của thế kỷ XX, mà còn đối với công cuộc phát triển kinh tế ở Việt Nam trong những năm đổi mới".[2]
-Tình hình nước ta vào những năm 80 của thế kỉ XX đặt ra rất nhiều vần đề về kinh tế cũng như Xã hội, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải nhìn vào sự thật của vấn đề để có những giải pháp chiến lược mang tính dài hơi, những lý luận, thực tiễn khoa học rất cần phải được tận dụng triệt để. Do đó việc tìm hiểu và nghiên cứu về những chính sách kinh tế mà nước Nga Xô viết đã áp dụng là một điều rất cần thiết, nó không chỉ giúp ta có cái nhìn cận cảnh hơn về lịch sử nước Nga Xô viết giai đoạn này mà còn cung cấp cho ta những bài học, lý luận thực tiễn sâu sắc, từ đó giúp ta có những chính sách đúng đắn hơn, phù hợp hơn về thực tế lịch sử nước ta[3]. Trong quá trình xây dựng Xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng và nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Vận dụng chủ nghĩa Mác lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, Đảng ta khẳng định: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không thể tách rời nhau. Đó là quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Đảng. Việc Đảng luôn luôn kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với xu hướng của thời đại và điều kiện cụ thể của nước ta”[4]. Như vậy việc nghiên cứu và tìm hiểu về những chính sách kinh tế đã từng được sử dụng ở nước Nga Xô viết càng có ý nghĩa thực tiễn hơn bao giờ hết. Nó giúp ta thêm tin vào sự lựa chọn của Đảng, đó là kiên định đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Tuy có nhiều cam go, thăng trầm và thử thách nhưng rồi tất yếu sẽ thành công.