Nhân dịp ngày tri ân các anh hùng liệt sỹ 27/7, phường em tổ chức buổi giao lưu gặp gỡ những người lính kháng chiến chống Pháp và người lính Trường Sơn chống Mỹ năm xưa để các thế hệ con cháu sau có thể tưởng tượng rõ hơn về những năm tháng kháng chiến oanh liệt ấy của ông cha. Em cũng đến buổi giao lưu đó với mẹ. Hội trường rất rộng, chưa đến giờ mà mọi người đã tề tựu đông đủ.
Đầu tiên là phần giao lưu của những người lính Trường Sơn. Em được gặp rất nhiều người lính Trường Sơn năm xưa. Bác nào cũng râu tóc bạc phơ, mặc bộ quân phục trang nghiêm, ngực áo đeo đầy huân chương lấp lánh. Các bác kể lại những năm tháng ấy bằng giọng chầm chậm, ấm áp. Em như bị cuốn theo từng câu chuyện các bác kể. Nó thật hay và sống động, các bác như đang sống lại trong những năm tháng chiến đấu ác liệt và gian khổ ấy. Các bác kể là các bác được phân nhiệm vụ lái những chiếc xe zíp vượt dọc Trường Sơn để tiếp tế lương thực, thuốc thang cho mặt trận. Thời đó, ngày nào Mỹ cũng trút hàng tấn bom đạn xuống nên các bác chủ yếu đi đường rừng và ngụy trang cẩn thận. Cửa kính của các xe hầu như vỡ sạch vì không chịu nổi bom đạn như mưa rơi của kẻ thù nên cửa sổ xe nào cũng toang hoác. Nhưng các bác kể là xe không có kính cũng là một cái hay vì nó là cơ hội để các bác có thể tận hưởng và hòa mình với thiên nhiên. Các bác không coi đó là một điều khổ vì có thể ngắm sao trời và những cánh chim vụt qua đột ngột. Cả không gian thiên nhiên lúc nào cũng như sa như ùa vào buồng lái. Có những cơn gió làm cay xè cả mắt nhưng các bác vẫn lạc quan yêu đời, còn trêu nhau là những người già tóc bạc; rồi cả những cơn mưa xối xả nhưng các bạn vẫn mặc kệ chờ cho khô. Các bác luôn sống vui vẻ lạc quan như những đứa trẻ lạc quan trong những năm tháng ấy. Với các bác, những chiếc xe không kính ấy là người bạn chí cốt tâm giao, cùng các bác băng qua mọi nẻo đường để đi đến con đường cuối cùng: con đường giải phóng đất nước. Rồi các bác còn kể mình sống chan hòa vỡi những người lính ở những tiểu đội khác nhau. Cửa kính xe không còn nhưng các bác không coi ấy là một điều khổ mà là cơ hội để bắt tay với những người lính khác, coi nhau là anh em một nhà. Rồi những bữa cơm các bác cùng nhau ăn bên bếp Hoàng Cầm (bếp dã chiến, nấu không tạo khói để kẻ địch không phát hiện) trò chuyện tâm sự. Gương mặt các bác luôn ánh lên niềm vui khi nhớ lại những năm tháng hào hùng tuổi trẻ ấy. Các bác bảo là thời ấy dù có khổ, thùng xe có xước xát tồi tàn, tay chân cơ thể không còn nguyên vẹn thì các bác vẫn lái những chiếc xe ấy vì miền Nam ruột thịt vẫn chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất. Trong hội trường đã có những người bật khóc vì câu chuyện cảm động, chân thực mà các bác kể lại.
Rồi khi đến phần giao lưu của những cựu chiến binh thời chống Pháp. Các bác kể ngày đó gian khổ vô cùng. Bọn thực dân thì truy lùng bộ đội khắp mọi nơi nhưng bộ đội ta cũng vô cùng khôn khéo lẩn trốn kháng chiến và còn nhận được sự giúp đỡ của bà con nữa. Nhưng những tháng ngày ấy có chết các bác cũng không quên được những sự hy sinh của đồng đội, của những người anh em vì bình yên của tổ quốc. Kháng chiến nổ ra liên miên suốt 21 nằm ròng rã, nhân dân và bộ đội vẫn luôn đồng tâm hiệp lực bên nhau để chống lại quân thù. Em được ấn tượng với một bác cựu chiến binh bị thương một bên mắt và bây giờ bên mắt đó không thể nhìn bình thường dù quân y hồi đó đã cố gắng cứu chữa. Bác bị đất bắt vào mắt khi một tên địch Pháp ném mìn trong rừng. Các bác kể chiến tranh ác liệt như thế ấy nhưng đây là chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh toàn dân bảo vệ tổ quốc nên không ngại thứ gì, tất cả vì độc lập dân tộc, bảo vệ non sông.
Em nghe xong các bác kể mà thấy thật tự hào về truyền thống yêu nước của các thế hệ đi trước. Lòng em thầm hứa sẽ học tập thật tốt để xứng đáng với công lao, máu thịt mà cha anh để lại.