Ngoài chức năng vận chuyển máu đã qua sử dụng, tĩnh mạch cũng có chức năng lưu trữ máu và điều hòa nhiệt độ cơ thể. Khi tiết trời nóng bức, tĩnh mạch dãn ra, nhờ đó nó hút nhiều máu hơn để làm mát bề mặt da.
Các tĩnh mạch chạy dưới bề mặt da và gom góp máu từ các lớp da. Phần này gọi là hệ tĩnh mạch nông. Từ đây, máu góp được sẽ đổ vào hệ tĩnh mạch sâu (được bao quanh bởi các bắp cơ ở chân) thông qua các tĩnh mạch xuyên (thông nối giữa hệ tĩnh mạch nông và sâu). Hệ tĩnh mạch sâu tiếp tục vận chuyển máu về tim nhờ hoạt động bơm của cơ.
Điều này có nghĩa, vận động là cần thiết để thực hiện chức năng đưa máu về tim. Mỗi bước đi các bắp cơ sẽ nở ra tạo ra một “nhát bóp” ép lên tĩnh mạch sâu và đẩy máu lên cao về tim. Ở thì nghỉ của cơ lúc chân nghỉ, nếu không có gì “chặn lại” thì máu sẽ chảy ngược xuống chân theo chiều trọng lực. Lúc đó, vai trò của “van tĩnh mạch” được phát huy.
Các van tĩnh mạch
Các van tĩnh mạch ngăn chặn máu chảy ngược xuống chân và phân tán áp lực trong lòng mạch nhờ hệ thống nhiều van riêng rẽ đóng dọc theo chiều dài của tĩnh mạch. Nó hoạt động như van “một chiều”, chỉ cho máu chảy một chiều từ chân về tim.
Van tĩnh mạch trông giống như những cánh buồm được gắn theo đường cong của thành tĩnh mạch và khép sát vào nhau ở giữa lòng tĩnh mạch. Nếu máu chảy lên nhờ sức ép tạo ra từ các bơm cơ, các van này mở ra. Nếu máu chảy ngược xuống do sức hút của trọng lực, các van này đóng lại, không cho máu chảy xuống.