Trong những năm gần đây, nhiều nhà khoa học, lãnh đạo Việt Nam đã nghiên cứu và chỉ ra những tác động của toàn cầu hoá đối với kinh tế, xã hội, chính trị và văn hoá của Việt Nam.
Tác động về kinh tế
Không ai có thể phủ nhận được rằng toàn cầu hóa là một quá trình tất yếu và đang tạo ra những cơ hội cho các nước có nền kinh tế đang phát triển hội nhập vào nền kinh tế thế giới để trên cơ sở đó, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ.
Việt Nam từ khi mở cửa, hội nhập, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, có nhiều công ty nước ngoài vào đầu tư, thương mại phát triển xuyên biên giới,…. Đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hoá, Việt Nam gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và khu vực như BTA, AFTA, WTO… Đây là cơ hội mà để ngành kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có điều kiện phát triển và có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, toàn cầu hoá đã làm cho sự phân hoá giàu nghèo cũng như sự chênh lệch về thu nhập, mức sống ngày càng tăng. Sự chênh lệch đó diễn ra ở mọi phương diện, ở từng địa phương, trong từng doanh nghiệp,…
Tác động về xã hội
Toàn cầu hoá đã mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam giao lưu với các nước trên thế giới, mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao. Tuy nhiên, Việt Nam cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới đang đứng trước những hiểm hoạ của thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường,… Đặc biệt toàn cầu hoá kinh tế cùng với việc phát triển nền kinh tế thị trường của đất nước đã làm nảy sinh tư tưởng thực dụng ở không ít người. Những tác động đó cùng với một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước.
Tác động về văn hoá
Sự giao lưu quốc tế rộng rãi trên cơ sở của phát triển kinh tế toàn cầu cũng có những tác động không nhỏ tới lĩnh vực văn hóa. Cùng với việc phục hồi, phát huy các giá trị văn hoá; nền văn hoá Việt Nam có điều kiện tiếp thu các giá trị mới của nền văn hoá thế giới và ngày càng trở nên đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, cùng với những tác động tích cực, toàn cầu hoá cũng gây ra những hệ quả tiêu cực đối với nền văn hoá Việt Nam như: một số giá trị văn hoá truyền thống không được bảo tồn, gìn giữ; một số người thay đổi nhanh chóng lối sống, tha hoá đạo đức,…
Nhìn chung, sự tác động của toàn cầu hoá đối với xã hội Việt Nam là mạnh mẽ và sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong những năm tới. Điều quan trọng là chúng ta phải biết khai thác, tận dụng những mặt tích cực của toàn cầu hoá để tạo ra sức mạnh chiến thắng các tác động tiêu cực của nó.