- Về mưu kế đánh giặc
Mưu là để lừa địch, đánh vào chỗ yếu, chỗ sơ hở, chỗ ít phòng bị, làm cho chúng bị động, lúng túng đối phó. Kế là để điều địch theo ý định của ta, giành quyền chủ động, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng, với ý chí kiên cường của dân tộc, triều đại nhà Lí, Trần, hậu Lê...đã tạo được thế trận chiến tranh nhân dân, thực hiện toàn dân đánh giặc, kết hợp các cách đánh, các lực lượng cùng đánh. Trong chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước, cha ông ta đã kết hợp chặt chẽ giữa quân triều đình, quân địa phương và dân binh, thổ binh các làng xã cùng đánh địch, làm cho lực lượng địch luôn bị phân tán, không thực hiện được hợp quân tại Thăng Long.
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân, thực hiện toàn dân đánh giặc
Thực hiện toàn dân đánh giặc là một trong những nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự của tổ tiên ta, được thể hiện cả trong khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng. Nét độc đáo đó xuất phát từ lòng yêu nước thương nòi của nhân dân ta, từ tính chất tự vệ, chính nghĩa của các cuộc kháng chiến. Hễ kẻ thù đụng đến nước ta, thì "vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước chung sức, trăm họ là binh", giữ vững quê hương, bảo vệ xã tắc.
Nghệ thuật lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh
Đây là nét đặc sắc và tất yếu trong nghệ thuật quân sự của ông cha ta, khi dân tộc ta luôn phải chống lại các đội quân xâm lược có quân số, vũ khí, trang bị lớn hơn nhiều lần. Nghệ thuật lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh chính là sản phẩm của lấy "thế" thắng "lực". Quy luật của chiến tranh là mạnh được, yếu thua, nhưng từ trong thực tiễn chống giặc ngoại xâm, cha ông ta đã sớm xác định đúng về sức mạnh trong chiến tranh, đó là : sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, chứ không thuần tuý là sự so sánh, hơn kém về quân số, vũ khí của mỗi bên tham chiến.
- Nghệ thuật kết hợp đấu tranh giữa các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao và binh vận
Chiến tranh là sự thử thách toàn diện đối với mỗi quốc gia trong tham chiến. Trong chống giặc ngoại xâm, ông cha ta đã biết kết hợp chặt chẽ các mặt trận nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù. Mỗi mặt trận có vị trí, tác dụng khác nhau, nhưng cùng thống nhất ở mục đích tạo ra sức mạnh để giành thắng lợi trong chiến tranh.
- Về nghệ thuật tổ chức và thực hành các trận đánh lớn
Trong các triều đại phong kiến, ông cha ta đã tổ chức và thực hành các trận đánh lớn để giải phóng đất nước, kết thúc chiến tranh. Thời nhà Lí có phòng ngự sông Cầu (Như Nguyệt), đây là một điển hình về kết hợp chặt chẽ hai hình thức tác chiến phòng ngự và phản công trên cả quy mô chiến lược, chiến thuật. Tác chiến phòng ngự ở Như Nguyệt không chỉ chặn đứng 30 vạn quân Tống, mà còn làm thất bại ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh để chiếm Thăng Long của chúng, khiến quân địch phải chuyển từ chủ động tiến công sang bị động phòng ngự.
Về tư tưởng chỉ đạo tác chiến
Giải phóng, bảo vệ đất nước là nhiệm vụ quan trọng, là mục tiêu cao nhất của các triều đại phong kiến trong chiến tranh giữ nước. Do đó, cha ông ta luôn nắm vững tư tưởng tiến công, coi đó như một quy luật để giành thắng lợi trong suốt quá trình chiến tranh. Thực hiện tiến công liên tục mọi lúc, mọi nơi, từ cục bộ đến toàn bộ, để quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi. Tư tưởng tiến công được xem như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến tranh giữ nước. Tư tưởng đó thể hiện rất rõ trong đánh giá đúng kẻ thù, chủ động đề ra kế sách đánh, phòng, khẩn trương chuẩn bị lực lượng kháng chiến, tìm mọi biện pháp làm cho địch suy yếu, tạo ra thế và thời cơ có lợi để tiến hành phản công, tiến công.