Trong chúng ta, không ít người mải mê học tập mà quên cả rèn luyện nhân cách, đạo đức. Nhằm nhắc nhở con người trau dồi cả đức, cả tài, tục ngữ có câu: “Có học phải có hạnh”.
“Học” là việc tiếp thu kiến thức, mở rộng hiểu biết qua sự truyền đạt của thầy cô và tri thức từ sách vở. “Hạnh” là nết tốt, là đạo đức con người. Người có “hạnh” là người có nhiều đức tính như: lễ phép, khiêm nhường, cầu tiến, chăm chỉ, thật thà, dũng cảm, Câu tục ngữ “Có học phải có hạnh” nêu lên tầm quan trọng và sự cần thiết về đạo đức của một người có học thức.
Đạo đức của một con người là vô cùng quan trọng để hình thành nhân cách, giá trị của người đó. Người có học, có hiểu biết càng phải nhận thức sâu sắc giá trị của đạo đức để tu dưỡng bản thân. Bởi, suy cho cùng, ta thấy rằng tuy học vấn là chìa khóa mở cửa văn hóa nhưng đạo đức làm người mới thực sự là nền tảng để kiến tạo giá trị con người.(Người có đạo đức sẽ là người biết sử dụng những điều được học đúng chỗ, vào những mục đích cao đẹp, có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, người vô đạo đức sẽ dễ trở thành kẻ phá hoại. Người có học và có hạnh sẽ được mọi người yêu mến, kính trọng. Ngược lại, người vô đạo đức sẽ bị xã hội xa lánh, ruồng bỏ, cô lập. Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã từng dạy rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”) Vậy nên, đánh giá một con người, trước tiên người ta thường nhìn vào cách cư xử, nói năng, hành động của người đó để đánh giá về đạo đức; sau đó người ta mới tìm hiểu xem người ấy học hành ra sao, tài năng như thế nào.
Thế mà trong xã hội hiện nay có bao nhiêu thanh thiếu niên chỉ chăm chăm cắm đầu cắm cổ vào việc học, cốt lấy được thật nhiều bằng cấp để tìm cho được một công việc có thu nhập cao. Để đạt được những bằng cấp ấy, nhiều người không những không rèn luyện hạnh kiểm mà còn thực hiện những hành vi thiếu đạo đức. Có nhiều người vì quyền lợi cá nhân, chạy theo vật chất để rồi tha hóa, biến chất. Ghê gớm hơn nữa là những người có trình độ chuyên môn cao nhưng lại vô lương tâm nên đã gây họa cho bao người. Thật đáng lên án. Vậy nên, người có học cần phải có đạo đức. Học càng nhiều thì đạo đức phải càng cao. Học và hạnh, tài và đức là hai yếu tố không thể tách rời nhau được. Nói như vậy không có nghĩa là người có học mới tu dưỡng rèn luyện đạo đức mà cả người ít học cũng cần phải có đạo đức tốt. Bởi, đạo đức luôn là cái gốc của nhân cách mỗi người.
Câu tục ngữ “Có học phải có hạnh” là một bài học đạo đức quý giá mà mỗi học sinh chúng ta cần ý thức sâu sắc để tu dưỡng, rèn luyện từng ngày.