1. Mở bài: giới thiệu Nguyễn Du, Truyện Kiều và đoạn trích Chí khí anh hùng
2. Thân bài:
_ Khát vọng lên đường của Từ Hải trong bốn câu thơ đầu
- Cuộc đối thoại giữa Từ Hải và Thúy Kiều trong 12 câu thơ tiếp
_ Nghệ thuật, nội dung
3. Kết bài: Suy nghĩ của bản thân
Bài làm
Thời gian trôi đi nhưng thời gian không xóa nhòa đi giá trị của những tác phẩm văn học đích thực. Chính những tác phẩm văn học có giá trị, giàu chiều sâu đạo lí đã mở rộng tâm hồn con người. Truyện Kiều của Nguyễn Du chính là kiệt tác số một của nền văn học VIệt Nam. Tìm hiểu TRuyện Kiều và đặc biệt là đoạn trích Chí khí anh hùng, mở ra trước mắt bạn đọc là vô vàn cảm xúc cùng tâm tưởng. Đặc biệt, chỉ với mười sáu câu thơ đầu, tác giả đã cho ta thấy được vẻ đẹp của nhân vật cùng tài năng của nhà văn.
Chí khí anh hùng là đoạn trích nằm trong phần Gia biến. Thúy Kiều được Từ Hải cứu giúp và sống cuộc đời hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc cũng mỏng manh, cũng dễ tan vỡ. Đoạn trích nằm từ câu 2213 đến 2230 trong Truyện Kiều.
Khát vọng lên đường của Từ Hải được thể hiện rất rõ trong bốn câu thơ đầu:
Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa, lên đường thẳng rong.
Hoàn cảnh chia tay ở đầy là hoàn cảnh đặc biệt gắn với bao lưu luyến, bao tiếc nuối khi mà “hương lửa đương nồng”. Có thể nói đây là phút giây tình cảm nồng thắm nhất của hai người. Vậy mà Từ Hải lại phải lên đường. Từ "thoắt" ở đây diễn tả một thái độ gấp gáp, một sự phản ứng nhanh nhạy. Hình ảnh Từ Hải được gắn với danh xưng trượng phu. Đó là một từ cổ chỉ người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng và nhà thơ dùng cách gọi ấy như một sự trân trọng, khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của người anh hùng. NGười nam nhi ấy luôn mang trong mình khát khao chí hướng bốn phương và mong tung hoành muôn nơi. Tư thế lên đường thẳng rong ý chỉ con người đi liền một mạch nhưng cũng là sự khẳng định của một tư thế đẹp, hiên ngang, không vướng bận của người quân tử. Vì sự nghiệp lớn lao mà không ngại những vui thú tầm thường. Từ Hải dưới ngòi bút của Nguyễn Du chính là con người của khát vọng công danh, của ước vọng dấn thân.
Đến với mười hai câu thơ tiếp, trong cuộc hội thoạt của Từ Hải và Kiều, ta càng thấy rõ hơn thế là sự khao khát, là ý chí của bậc trượng phu tung hoành trong thiên hạ. Những lời của Kiều dẫu thiết tha, dẫu đau đáu nhưng chẳng thể níu giữ bước chân người ra đi. Kiều cẩn thận, nhẹ nhàng trong từng lời xưng hô "chàng- thiếp". Tình cảm của họ là tình cảm đang thuở mặn nồng gắn với bao yêu thương đong đầy. Nhưng Kiều cũng là người con gái của những bổn phận. Bổn phận ở đây là đạo vợ chồng, nàng phải theo người chồng của mình. Người con gái ấy quả là tri kỉ của người anh hùng trong những thấu hiểu ,trong sự yêu thương và lòng thủy chung.
Nguyễn Du còn khắc họa chân thực lời của Từ Hải. Lời đáp của Từ Hải là sự từ chối một cách đầy dứt khoát:
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp dường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Vượt lên tình cảm cá nhân ích kỉ, thông thường, Từ Hải mong mỏi ở Kiều một sự gan trường vượt lên nỗi nhớ mong, vượt lên tất cả xa cách. Lời nói rành rọt:" Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình" khẳng định chí khí ở bậc anh hùng. Người anh hùng Từ Hải mang theo bao nét đẹp. Đó không chỉ là người chồng bao dung của Kiều mà còn là bậc anh hùng dũng mãnh tiến lên. Từng lời của TỪ với Kiều bộc lộ một con người có hoài bão, con người với chí lớn. Khao khá rước nàng về dinh mạnh mẽ và sôi sục trong lòng Từ:
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Người anh hùng trogn trang văn của Nguyễn Du có chí khí, có sự thống nhất giữa lí trí, khát vọng phi thường và tình cảm sâu nặng với tri kỉ. Lời hẹn ước "một năm" đưa ra như lời khẳng định và cũng như là lời tự khắc ghi. Từ Hải tin vào tài năng của mình, Từ cho kiều một lời hẹn ước trọn vẹn. Anh hùng của chúng ta dám dấn thân và cũng dám khẳng định cái đẹp của mình trước tri kỉ.
Nguyễn Du với mười sáu câu thơ lục bát đã diễn tả những vần thơ rất nhịp nhàng khi nói về hoài bão, chí lớn của người anh hùng. Từ ngữ tinh tế, hình ảnh giàu sức gợi cùng lối đối đáp được nhà thơ lựa chọn như một sự ngợi ca, khẳng định về vẻ đẹp của Từ Hải với chí khí. Nhưng đồng thời, ở đó, ta cũng thấy nét đẹp của Kiều- tri âm tri kỉ của bậc trượng phu.
Tóm lại, với mười sáu câu thơ đầu bài Chí khí anh hùng, Nguyễn DU khắc họa bức chân dung người anh hùng toàn vẹn. Đó là ước mơ, là hình mẫu lí tưởng mà nhà văn khao khát trong đời sống này.