Tác giả Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989) quê ở làng Thơi, xã Quỳnh Hải (nay là xã Sơn Hải), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đầu năm 1950, ông gia nhập quân đội, theo học Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1952 đến năm 1958, ông công tác và chiến đấu tại Sư đoàn 320. Năm 1962, ông về Phòng Văn nghệ Quân đội, sau chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tác phẩm chính: Cửa sống (tiểu thuyết, 1967); Những vùng trời khác nhau (tập truyện ngắn, 1970); Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972);... Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được in đậm phong cách tự sự - triết lý của Nguyễn Minh Châu. Với ngôn từ dung dị đời thuyền, truyện kể lại chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời. Trong truyện, nhân vật Phùng là nhân vật trung tâm, được thể hiện với hai trạng thái cảm xúc khác nhau, từ đó thể hiện quan điểm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống của tác giả.
Trạng thái cảm xúc thứ nhất của nhân vật Phùng đó chính là sự đấu tranh cho công lý của anh. Khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, anh đã bỏ máy ảnh xuống để chạy ra ngăn cản. Cùng với đó, anh cũng là nhân chứng để khuyên nhủ người đàn bà hàng chài bỏ chồng cùng Đẩu. Ở Phùng, ta thấy được sự đấu tranh cho công lý, lòng nhiệt thành và sự tử tế muốn lan tỏa ra cộng đồng. Mặt khác, trạng thái cảm xúc khác của nhân vật Phùng đó là trạng thái của sự suy tư, ngẫm nghĩ, xót xa về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đạo đức trong cuộc sống. Bức ảnh tuyệt đẹp mà anh chụp được nhưng ẩn sau lại là câu chuyện đau lòng của gia đình hàng chài đã làm cho anh cảm thấy suy nghĩ rất nhiều. Hơn nữa, anh cũng chẳng thể giúp đỡ được gia đình hàng chài nên anh vẫn mang trong mình những sự ám ảnh nhất định. Vì thế, anh vẫn nhìn thấy hình ảnh của người đàn bà hàng chài bước ra từ bức ảnh mà mình chụp dù là nhiều năm sau. Với anh, anh luôn mang trong mình tâm trạng của người làm nghệ thuật, khát khao sự đồng hành cùng tồn tại toàn diện của cả nghệ thuật và cái đẹp đạo đức.
Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa có các giá trị về mặt nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ được thể hiện qua việc tác phẩm đề cao vẻ đẹp đến từ nhân cách, đạo đức thì mới là vẻ đẹp toàn diện chứ không chỉ đến từ vẻ đẹp bên ngoài. Bức hình chiếc thuyền của nhiếp ảnh gia Phùng tưởng chừng như hoàn mỹ về hình thức nhưng câu chuyện về gia đình hàng chài ấy lại đau xót đến nhường nào. Tác phẩm đã đề cao vẻ đẹp đến từ đạo đức, nhấn mạnh vào sự chắt lọc nghệ thuật của chính những người làm nghệ thuật khi biết cảm nhận cái đẹp một cách toàn diện. Vẻ đẹp của nghệ thuật phải đến từ cả đạo đức và vẻ đẹp của đạo đức chính là vẻ đẹp không thể bỏ qua, cần được trân trọng và nâng niu. Đồng thời, truyện cũng ngợi ca những phẩm chất của người đàn bà hàng chài, về sự hy sinh và tình yêu thương con của người phụ nữ khổ sở ấy. Dù hoàn cảnh có khổ sở thì người đàn bà vẫn luôn vì các con mà chịu đựng gắng gượng. Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Phùng đã được treo trên lịch của những gia đình sành nghệ thuật nhưng tác giả vẫn luôn cảm thấy day dứt trằn trọc về cuộc đời, số phận của người phụ nữ ấy, về những người khổ sở khác. Từ đó, truyện Chiếc thuyền ngoài xa đã thể hiện được khía cạnh giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ sâu sắc về con người, về cuộc sống, về vẻ đẹp trọn vẹn của đạo đức và nghệ thuật toàn diện.
Tóm lại, qua nhân vật Phùng, người đọc có thể cảm nhận được những suy nghĩ, tâm tư toàn diện của một người làm nghệ thuật chân chính. Anh luôn khát khao cái đẹp, khát khao sự toàn diện của vẻ đẹp bề ngoài và đạo đức trong cuộc sống.