1, Khởi ngữ:
- Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu. Khởi ngữ còn được gọi là đề ngữ hay thành phần khởi ý.
- Trước khởi ngữ có thể thêm những quan hệ từ như về, còn, đối với,…
- Trong quan hệ với các thành phần câu còn lại, khởi ngữ vừa đứng riêng biệt lại vừa gắn bó với các thành phần khác của câu: quan hệ trực tiếp, quan hệ gián tiếp.
2, Trạng ngữ
- Trạng ngữ là thành phần phụ của câu xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích,... của sự việc nêu ở trong câu.
- Trạng ngữ trả lời cho các câu hỏi Khi nào?, Ở đâu?, Vì sao?, Để làm gì?.
3, Thành phần biệt lập
- Thành phần biệt lập là thành phần nằm ngoài cấu trúc ngữ pháp của câu, được dùng để diễn đạt thái độ, cách đánh giá của người nói đối với việc được nói đến trong câu hoặc đối với người nghe. Khác với thành phần phụ là trạng ngữ và khởi ngữ, các thành phần biệt lập không có quan hệ trực tiếp với các thành phần khác trong câu.
- Các thành phần biệt lập gồm:
+ Thành phần tình thái: được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.
Ví dụ: à, ừ, nhỉ
+ Thành phần cảm thán: được dùng để bộc lộ tâm lí của người nói (vui, buồn, mừng, giận,…).
Ví dụ: Trời ơi! Nóng quá!
+ Thành phần gọi – đáp: được dùng để tạo lập hoặc để duy trì quan hệ giao tiếp.
Ví dụ: Này Huyền ơi!
+ Thành phần phụ chú: được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu.
Ví dụ: Bạn thân của tôi - Huyền - học rất giỏi.