Đa dạng văn hóa là đặc trưng của xã hội loài người. Tuyên ngôn Toàn cầu về Đa dạng văn hóa năm 2001 của UNESCO khẳng định, đa dạng văn hoá “là khởi nguồn cho mọi giao lưu, đổi mới và sáng tạo, đa dạng văn hóa cũng cần cho nhân loại như đa dạng sinh học cho tự nhiên. Vì thế, đa dạng văn hóa chính là di sản chung của nhân loại và cần được công nhận và khẳng định vì lợi ích của các thế hệ hôm nay và mai sau”. Công ước 2005 cũng nhấn mạnh: “đa dạng văn hóa tạo nên một thế giới giàu có và đa dạng, một thế giới làm tăng sự lựa chọn và nuôi dưỡng khả năng và giá trị của con người, và do đó là nguồn suối của sự phát triển bền vững cho các cộng đồng, con người và dân tộc.”1 Đa dạng văn hóa, do đó, là điều kiện cần thiết cho phát triển. Mỗi tộc người và cộng đồng có cách hiểu riêng về văn hóa, phụ thuộc vào những nhận thức về môi trường sống và thực hành hàng ngày của họ, vì vậy, mỗi nền văn hóa luôn chứa đựng trong nó sự đa dạng. Việt Nam là một quốc gia đa tộc người và mỗi nhóm tộc người có nền văn hoá đặc trưng riêng của mình. Sự đa dạng của các nền văn hoá này đã và đang đóng góp một phần rất quan trọng đối với s ự phát triển bền vững của các tộc người nói riêng và của quốc gia nói chung.