Trong xã hội hiện đại, chúng ta vẫn đề cập tới việc bảo vệ môi trường sống, ngăn biến đổi khí hậu toàn cầu, giảm hiện tượng hiệu ứng nhà kính hay vá tầng ozon… mà bằng những khẩu hiệu hay chiến dịch “đao to búa lớn”. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta quên mất rằng bảo vệ và cải thiện môi trường lại bắt đầu từ những hành động rất nhỏ. Thí dụ, xóa bỏ thói quen vứt rác bừa bãi. Hiện tượng vứt rác bừa bãi đã và vẫn luôn là vấn đề thường trực cần giải quyết.
Vứt rác là hoạt động thiết yếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Mỗi ngày mỗi người sẽ thải ra một lượng rác nhất định trong quá trình sinh hoạt và không có ai sống trong xã hội mà tránh được việc vứt rác. Vứt rác bừa bãi là hành vi loại bỏ rác thải một cách thiếu văn hóa, không đúng khu vực chứa rác, vứt rác tại nơi công cộng, ảnh hưởng tới không gian chung.
Trong xã hội ngày nay, vứt rác bừa bãi không chỉ còn là một hiện tượng mới nổi, nó đã trở thành phong trào vô ý thức, một thói quen không ghê tay của con người. Người ta vứt rác khắp mọi nơi từ thành thị tới nông thôn và bất cứ khi nào tiện tay. Rác có trên khắp mọi con đường, rãnh hẻm, sân trường, trên đường, công viên, khu bảo tồn, ao hồ… Rác xuất hiện ở bất kì nơi đâu miễn là chỗ đó có dấu chân người qua lại. Học sinh có thể vứt bất kì mẩu giấy nào xuống dưới sàn lớp học hay nhét bất cứ vỏ đồ ăn vặt nào vào ngăn bàn. Ở các khu di tích, người ta ăn đồ ăn vặt, mua đồ chơi rồi sau đó ném bừa vào góc khuất nào đó. Trên đường đi, thỉnh thoảng ta lại khó chịu vì người ngồi trên ô tô ném vỏ hộp sữa, túi bóng hay giấy ăn qua cửa xe xuống đường. Tại các điểm tập kết rác hay các thùng chứa rác dọc các con phố bừa bãi, hôi thối. Ở vùng nông thôn, con người càng thiếu ý thức hơn. Khu để rác thường do chính người dân tự đặt ra. Họ thượng chọn những đoạn ao hồ gần nhà, cạn nước và rộng rãi để đổ rác. Chỉ cần có một người làm, tất cả những người sống quanh đấy sẽ thực hiện theo. Lâu dần tích tụ lại, điểm đó trở thành bãi rác khổng lồ nhưng chưa bao giờ nằm trong bản đồ khu tập kết rác của địa phương. Ra tới biển, sóng vỗ mỗi ngày đưa lượng rác khổng lồ dạt vào bờ biển nhiều đoạn thành bờ biển chết.
Hệ quả của hành động vứt rác bừa bãi rất nghiệm trọng. Rác khiến cho môi trường sống quanh chúng ta ô nhiễm, khiến cho đất – nước – không khí đều bị ảnh hưởng do việc xả thải rác không được xử lý. Hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp lại có những con đường và khu du lịch đầy rác khiến nó trở thành điểm trừ trong mắt bạn bè quốc tế, giảm tiềm năng du lịch. Vứt rác bừa bãi là thói quen xấu, người vứt rác bừa bãi là người có lối sống cẩu thả và thiếu văn minh. Một đất nước đang tiến đến cuộc sống văn minh làm sao lại thành công cho được khi mà công dân của nước đó đều thiếu văn minh?
Vì sao chúng ta lại có thói quen thiếu văn minh như vậy? Là vì chúng ta lười. Bạn lười đi thêm một quãng để bỏ rác vào đúng điểm tập kết. Bạn lười xuống xe để bỏ rác vào thùng. Thậm chí, chính những bậc phụ huynh lười ấy khiến con cái họ học theo. Và hơn nữa, chính phủ đang coi nhẹ vấn đề đó. Ở một số nước trên thế giới, vứt rác bừa bãi là vi phạm pháp luật. Ở Việt Nam, vứt rác bừa bãi chỉ là hành động vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Cuối cùng, tôi muốn nhắc nhở mọi người hãy có ý thức hơn trong việc vứt rác. Cha mẹ hãy làm gương. Chính phủ hãy mạnh tay hơn, có chế tài xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng đúng đắn. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể ngăn chặn và xóa bỏ hiện tượng đáng xấu hổ này.