Bạn tham khảo bài làm trong đội tuyển Văn của mình nhé:
“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ”, Nguyễn Đình Thi đã khẳng định. Bất kể tác phẩm văn học nào cũng đều có hai điều: một là hiện thực đời sống, hai là những thông điệp, lời nhắn mà các tác giả muốn gửi đến độc giả của mình. Điều này đã được Phạm Tiến Duật chứng minh qua tác phẩm “Bài thơ … kính” với khung trời chiến tranh ác liệt trên rừng Trường Sơn. Qua đó ông đã khắc họa thành công hình ảnh người lính lái xe với tư thế hiên ngang, lạc quan, bất chấp mọi khó khăn để vượt lên sự tàn khốc của chiến tranh. Vẫn là cảnh chiến tranh ác liệt, nhưng khác với người lính của Phạm Tiến Duật mang nhiều phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ còn người cha trong "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng lại cao cả hơn hết . Chính vì thế Hà Minh Đức cũng cho rằng: “Cái đẹp mà văn học mang lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật”.
“Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực”, nó phản ánh những gì liên quan đến đời sống con người; sự việc, hiện tượng quanh ta, đa phần lên án chiến tranh ác liệt, chế độ phong kiến mục nát, suy vong trong quá khứ và cách sống, cách suy nghĩ của chúng ta ở hiện tại. “Cái đẹp mà văn học mang lại” là cái đẹp nghệ thuật của người nghệ sĩ truyền tải qua tác phẩm, thể hiện ở nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật đặc sắc. Một tác phẩm nghệ thuật là sự kết tinh của quá trình “sống”, tiếp nhận và đúc kết của người nghệ sĩ. Văn học mang đến cho ta những cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, những cái nhìn bao quát hơn, rộng lòng hơn. Cái đẹp bắt nguồn từ hiện thực; cái đẹp bắt nguồn của thiên nhiên, cuộc sống, con người thường được gọi là “cái đẹp của sự thật đời sống”. Cuộc sống vốn dĩ muôn hình vạn trạng, đâu ai biết được ngày mai cuộc đời sẽ ra sao, nhưng chỉ biết từ giây phút này quay ngược về quá khứ, ta đã sống và đang sống, chiêm nghiệm một cuộc đời đầy thú vị, cuộc đời mà chỉ có duy nhất. Tất cả đều được ghi lại ở sách, đó là những đúc rút, kết tinh từ cuộc đời của tác giả, từ đó họ liên hệ, truyền tải thông điệp nhờ văn học. “khám phá một cách nghệ thuật” quả là cách nói mĩ miều, giống như ta đang khám phá một điều gì đó mới lạ từ văn học, cảm nhận nó bằng một trái tim nhân hậu cũng như một cặp mắt có chiều sâu. “nghệ thuật” được xem như một ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng, tình cảm đến người đọc. “khám phá” sẽ giúp ta tìm ra, phát hiện cái bí ẩn, bí mật mà chưa ai biết đến. Có lẽ chính là những thông điệp, lá thư mà người nghệ sĩ muốn nói. Cái đẹp trong văn học sẽ là những vẻ đẹp từ chính sự thật cuộc sống, tồn tại trong thực tế, nhưng được khám phá, phát hiện một cách đầy sáng tạo, hấp dẫn qua tài năng của người nghệ sĩ cũng như sự chiêm nghiệm qua nhiều trang sách của mọi độc giả.
Bằng sự am hiểu về văn hóa Trung Quốc, Nguyễn Du đã cho ra đứa con tinh thần “Truyện Kiều”, để đến ngày nay, nó đã là một kiệt tác đồ sộ. Có ý kiến cho rằng, Truyện Kiều “Bất song văn học dân tộc, bất luận văn học thế giới” quả không sai, mỗi con chữ trong “Truyện Kiều” là một viên ngọc sáng long lanh trong kho tàng văn học dân tộc, chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa thầm kín mà có lẽ không một từ nào thay thế được. Nguyễn Du có viết :
“Xót người tựa cửa hôm mai,Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờSân lai cách mấy nắng mưa,Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Có thể thấy, dù trong cảnh bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích nhưng nàng Kiều của chúng ta lại một lòng nhớ về cha mẹ. Nhưng trước đó, Kiều đã bán mình chuộc cha nhưng nàng vẫn chưa thỏa được lòng hiếu thảo, luôn đau đáu về cảnh cha mẹ đứng chờ mình trong vô vọng. Chính vì thế, nàng càng thương xót cha mẹ nhiều hơn, tự dặn lòng mình phải làm tròn bổn phận làm con. Xét cho cùng, văn học đã ghi lại toàn bộ sự thật của đời sống, không chỉ ở khía cạnh đáng lên án, mà ở đây văn học còn bênh vực, ca ngợi, bảo vệ cho cái đẹp của người phụ nữ xưa. Đó là những nét đẹp mà văn học mang lại.
Văn học là một nền tảng rộng lớn, với nhiều đề tài và cách sáng tạo khác nhau. Ở văn bản”Chiếc lược ngà” của tác giả Nguyễn Quang Sáng, người đọc chúng ta cũng không ghìm nổi xúc động trước tình cha con sâu nặng nhưng éo le trong cảnh ngộ chiến tranh. Văn học đâu chỉ phản ánh chiến tranh ác liệt trong tác phẩm mà còn nói lên tình cảm chan chứ của anh Sáu dành cho đứa con gái Thu của mình. Chiến tranh đến, chia cắt tình cha con của họ, mang đến nhiều đau thương mất mát cho cả anh lẫn con. Ở chiến khu, dù chẳng bao giờ được gặp con nhưng khi có dịp về nhà, thoáng qua anh đã nhận ra đứa con bé bỏng của mình. Cộng với việc anh im lặng trước tiếng nói trổng của bé Thu. Dù đau, dù bứt rứt lắm nhưng anh cũng cố kìm nén chỉ để nghe Thu gọi một tiếng “ba”. Tiếng “ba” mà nó dành duy nhất cho người cha trong bức ảnh chụp với má nó. Khi chuẩn bị lên đường, tưởng chừng như con chẳng bao giờ gọi mình là “ba” nhưng đâu ai ngờ được tiếng “ba” của Thu “như xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người”. Tiếng “ba” cất lên khiến người đọc không thể nào ngờ được. Thu không chỉ là đứa bé bướng bỉnh, ương ngạnh mà sâu thẳm trong trái tim là một tính yêu cha sâu nặng. Nhan đề tác phẩm là “Chiếc lược ngà” bởi lẽ đó là kỉ vật mà anh Sáu dành tặng con gái, là minh chứng cho tình cha con sâu nặng nhưng éo le trong cảnh ngộ chiến tranh, là sợi dây gắn kết tình cha con giữa anh và con, giữa người sống và người đã khuất. Văn học đâu chỉ ghi lại những cái đã có rồi mà còn gửi vào đó những thông điệp, lá thư khiến người đọc phải nhiều lần suy ngẫm. Trong xã hội hiện đại ngày nay, văn học đóng vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách của con người, văn học đưa ta mở sang một trang mới, từ một con người “nông thôn” sang một con người “thành thị”, từ người khù khờ trở thành người văn minh. Văn học đưa ta đến một tầm cao mới, chỉ có văn học mới thay đổi đời ta.
Tóm lại nét đẹp mà văn học mang lại có lẽ không ngôn từ nào tả nổi. Nó vừa đơn giản, vừa mộc mạc nhưng lại có gì đó mới mẻ. Nó khiến ta phải đắm chìm trong mọi con chữ. Nhận định của Hà Minh Đức : “Cái đẹp mà văn học mang lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật” quả thật không sai. Nó đúng trong mọi trường hợp và mọi tác phẩm. Các văn bản, đoạn trích đã làm rõ nhận định trên. Một tác phẩm thực sự hay khi phản ánh chân thật cái đẹp của cuộc sống nhưng đó không phải là cái đẹp thuần túy mà là cái chân – thiện – mĩ và đồng thời cũng định hướng cho người tiếp nhận tác phẩm văn học.