Theo Thiếu tướng, PGS- TS Trịnh Vương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Cuộc khởi nghĩa Yên Thế duy trì được thời gian dài như vậy (khoảng 30 năm, từ 1884 - 1913 - PV) do nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến cách xây dựng căn cứ lợi hại cùng cách đánh du kích linh hoạt, độc đáo của Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế".
Xây dựng làng chiến đấu liên hoàn
Theo Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng, lúc đầu, nghĩa quân Yên Thế đã xây dựng cơ sở trú đóng trên những đồi cao. Thế nhưng, cách bố trí như vậy lại là điểm yếu, vô tình tạo đích ngắm, thành mục tiêu dễ bị tiêu diệt của pháo binh địch, hậu quả là nghĩa quân bị tổn thất nhiều.
Chính vì thế, nghĩa quân Đề Thám đã nhanh chóng chuyển xuống các làng với địa hình phù hợp hơn. Từ đây, các làng chiến đấu của nghĩa quân xuất hiện khắp vùng Yên Thế xưa (gồm huyện Tân Yên và Yên Thế ngày nay).
Cũng theo phân tích của Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng, làng chiến đấu của nghĩa quân Đề Thám có đặc điểm: Phần lớn các xóm làng được bao bọc bằng lũy tre dày có hai hoặc ba lớp gồm rào tre và tường đất tạo nên chướng ngại vật rất chắc chắn. Giữa hai hàng rào tre là những ao hoặc hào sâu chạy liên tiếp. Trong làng có những đoạn đường nhỏ hẹp quanh co.
Mặt khác, làng cũng được chia ra vô số khu vực riêng biệt, tạo thành những ổ đề kháng trong trường hợp cần thiết. Để đi vào làng, chỉ có hai hoặc ba cổng, phía trước có lũy đất khúc khuỷu dài chừng vài mét với nhiều ổ bắn tập trung hỏa lực trên đó. Phía sau làng có một hoặc hai lối bỏ ngỏ với cây cối rậm rạp để nghĩa quân và dân làng theo đó rút lui vào rừng. Đặc biệt, những ngôi nhà trong làng được bố trí tạo thuận lợi liên thông với nhau; các làng cũng có thể hỗ trợ, phối hợp lẫn nhau khi địch tấn công...
Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng đúc kết: "Làng chiến đấu trong khởi nghĩa Yên Thế đã để lại một mô hình cả cấu trúc cụ thể lẫn tinh thần yêu quê hương đất nước, dũng cảm và sáng tạo trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Đây cũng là kinh nghiệm để hình thành những làng chiến đấu của ta trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này".
Tấn công bất ngờ, đánh nhanh - thắng nhanh
Trong suốt 30 năm chống chọi với thực dân Pháp có đội quân hùng hậu, Hoàng Hoa Thám đã chọn lối đánh- chiến thuật du kích là hoàn toàn xác đáng. Đó là cách đánh lấy ít đánh nhiều, dựa vào địa thế hiểm trở và công sự dã chiến để tổ chức nhiều trận đánh nhỏ, bất ngờ.
Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng nhận định: Đề Thám đã biết khơi dậy ý chí kiên cường của người dân và nghĩa quân để đánh giặc. Không những thế, ông còn huấn luyện nghĩa quân thành những binh sĩ dũng cảm và tinh nhuệ. Do nghĩa quân gặp rất nhiều khó khăn về sinh lực, tài lực, vũ khí và lương thực... nên Hoàng Hoa Thám đã chọn lối phòng giữ căn cứ kết hợp xuất kích đánh địch.
Theo lý luận quân sự hiện đại, bên tiến công từ ngoài phải có quân số lớn gấp ba lần quân số bên trong đồn thì mới có khả năng giành chiến thắng. Vì thế, Hoàng Hoa Thám chọn lối đánh trên là hoàn toàn sáng suốt.
Sự khôn khéo trong nghệ thuật quân sự của Đề Thám, theo Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng, thứ nhất là, vừa đánh vừa đàm. Từ năm 1897 đến 1909, đã có hai lần đình chiến giữa nghĩa quân với Pháp. Nhờ đó, nghĩa quân Hoàng Hoa Thám có thời gian củng cố lực lượng.
Thứ hai, chia nghĩa quân thành nhiều toán nhỏ, phân tán trong rừng và xóm làng nhằm bảo toàn lực lượng và xây dựng căn cứ, kết hợp chiến đấu.
Thứ ba, di chuyển hoạt động của nghĩa quân trong địa bàn rộng, gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phúc Yên nhằm tránh những đợt tấn công tổng lực của địch; đồng thời tích cực phối hợp với nhiều lực lượng ở các nơi khác nhau cùng các nhà yêu nước ở Bắc kỳ và Trung kỳ để tăng thêm sức mạnh cho nghĩa quân.
Thứ tư, vừa sản xuất tự túc lương thực, vừa mua sắm vũ khí và luyện quân. Tiêu biểu nhất ở đồn Phồn Xương, Hoàng Hoa Thám đã xây dựng nơi đây thành một xã hội gắn kết chặt chẽ giữa nghĩa quân với dân làng, tạo ra thế trận vững chắc trên một địa bàn rộng lớn.
Dưới sự chỉ huy tài tình của Đề Thám, nghĩa quân Yên Thế trong nhiều năm đã vươn lên thành một lực lượng kháng chiến uy lực, gây ra những tổn thất nặng nề cho thực dân Pháp và tay sai, trở thành biểu tượng của ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.