Dân chủ là một phương pháp ra quyết định tập thể trong đó mọi thành viên đều có quyền ngang nhau khi tham gia ra quyết định[1]. Dân chủ cũng để chỉ một hình thức nhà nước, trong đó mọi thành viên đều tham gia vào việc ra quyết định về các vấn đề của mình, thường bằng cách bỏ phiếu để bầu người đại diện trong quốc hội hoặc thể chế tương tự.[2] Dân chủ được định nghĩa thêm như "chính quyền của nhân dân, đặc biệt là: sự thống trị của số đông" hoặc "một chính phủ trong đó quyền lực tối cao được trao cho người dân và thực hiện bởi họ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một hệ thống đại diện thường liên quan đến việc tổ chức định kỳ các cuộc bầu cử tự do".[3] Theo nhà khoa học chính trị Larry Diamond, chế độ dân chủ bao gồm bốn yếu tố chính:
Một hệ thống chính trị cho việc lựa chọn và thay thế các chính phủ thông qua bầu cử tự do và công bằng.
Sự tham gia tích cực của công dân, trong chính trị và đời sống dân sự.
Bảo vệ quyền con người của mọi công dân.
Pháp quyền, trong đó tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không ai đứng trên luật pháp.[4]