Ngày 17/2/1859, sau khi tấn công 12 đồn dọc hai bờ sông và 3 cảng trên sông Sài Gòn, thực dân Pháp đã chiếm thành Gia Định.
Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, xâm lược Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp.
Tháng 2/1859, sau khi kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh bị phá sản ở Đà Nẵng, thực dân Pháp chuyển hướng tấn công vào Gia Định.
Từ ngày 11- 15/2/1859 quân Pháp lần lượt triệt hạ đồn phòng vệ của triều đình Huế đóng dọc theo sông Sài Gòn.
Khi đó, lũy thành Sài Gòn được tổ chức phòng thủ ở 2 mặt, mặt Nam là hai pháo đài phòng vệ, mặt Bắc là một lũy thành với nhiều pháo đài lồi.
Tối 15/2, viên chỉ huy người Pháp Rigault de Genouilly cho tấn công và hủy diệt ngay một trong 2 pháo đài ở mặt Nam, pháo đài còn lại cũng bị triệt hạ vào sáng 16/2.
Ngày 17/2/1859, chiến hạm Phlégéton án ngữ trực diện cổng thành, chiến hạm Primauguet và 2 pháo hạm L'Alarme, L'Avalanche, bảo vệ mặt trận phía trước, còn pháo hạm La Dragonne, Le Prigrent và thông báo hạm El Cano bảo vệ mặt trận phía sau. Tất cả đồng loạt nổ súng để yểm trợ lực lượng đổ bộ áp sát thành Gia Định. Thiếu tá Henri des Paillères chỉ huy 2 đại đội bộ binh đánh vào sườn trái, còn Đại úy Gallimard chỉ huy toán công binh đánh sập cửa lớn và các vách thành, hỗ trợ cho bộ binh tràn vào thành. Một đại đội khinh binh Tây Ban Nha dưới quyền của Thiếu tá Palance nằm chờ tăng viện cho 2 cánh quân trên. Một tiểu đoàn trừ bị nằm đợi lệnh trên bãi công dưới quyền chỉ huy của Trung tá Raybaud. Lực lượng Tây Ban Nha dưới quyền của Đại tá Lanzarotte cùng một nửa tiểu đoàn hải quân ở cánh tả, được lệnh áp sát vách thành.
Trước sự tấn công hoả lực ác liệt của quân Pháp, do lực lượng mỏng lại ở thế bị động nên đội quân của triều đình Huế nhanh chóng tan rã, chỉ còn khoảng 1.000 người tiếp tục cầm cự dưới trận mưa pháo ở sườn mặt. Đại tá Lanzarotte được lệnh dốc toàn lực đẩy lùi cánh quân này ra khỏi mặt Bắc lũy thành Sài Gòn.
Ngày 17/2, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã chiếm đóng nhiều vị trí, đồn binh của quân triều đình trong thành Sài Gòn.
Như vậy, Pháp đánh chiếm Gia Định là vì đây là vị trí chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu đánh chiếm Việt Nam, đồng thời Gia Định lại dễ đánh chiếm. Do đó Pháp chọn Gia Định để tấn công. Chiếm được thành Gia Định, Pháp đã thực hiện được một phần trong mục tiêu xâm lược Việt nam của mình.