Trong những năm cuối thế kỷ 19, quá trình công nghiệp hóa (Phú quốc cường binh) tại Nhật Bản dưới sự khởi xướng và dẫn dắt của vua Minh Trị diễn ra mạnh mẽ, đất nước phát triển vượt bậc, đến đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã trở thành quốc gia có trình độ hiện đại hóa cao nhất châu Á, sánh ngang với các cường quốc châu Âu. Những thắng lợi sau chiến tranh Thanh - Nhật, chiến tranh Nga - Nhật và chiến tranh thế giới thứ nhất đã tạo tiền đề vững chắc cho Nhật Bản đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ tại Trung Quốc, Triều Tiên, Đông Nam Á và các đảo quốc trên biển Thái Bình Dương - mở rộng đế chế của mình và củng cố quyền lực của chính phủ quân phiệt. Nhật Bản tham chiến trong chiến tranh thế giới thứ hai với tư cách là một đồng minh của Phe Trục, các cuộc chiến tranh Trung - Nhật năm 1937 cùng chiến tranh Thái Bình Dương đã nhanh chóng lan rộng, trở thành một phần của cuộc đại chiến này kể từ năm 1941 và rồi cuối cùng kết thúc vào năm 1945 với sự đầu hàng vô điều kiện của chính phủ quân phiệt sau vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki của Không quân Hoa Kỳ. Sau chiến tranh, mặc dù đất nước, cơ sở hạ tầng cũng như nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, tuy nhiên, cùng với sự kiện "Thần Kỳ Nhật Bản", quốc gia này đã nhanh chóng khôi phục lại hoàn toàn vị thế của mình.