Vị trí
Đình Thần Thới Bình tọa lạc tại Khóm 2, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Đặc điểm
Đình thờ Thành Hoàng, được xây dựng từ những năm 1846 - 1847 bằng gỗ địa phương, lợp lá dừa nước. Vào thời Gia Long, cộng đồng dân cư 4 thôn Tân Thới, Kiết An, Cửu An và Tân Bình có nguyện vọng thành lập làng, xã riêng biệt, dựng đình để làm nơi giải quyết việc làng, thờ cúng thần linh theo phong tục của người Việt xưa.
Theo lời truyền khẩu của dân làng, Ban hương chức của 4 thôn cử người lên kinh thành Huế để xin Vua ban sắc thần. Kết quả triều đình nhà Nguyễn (Vua Tự Đức) đã phong sắc thần một lượt cho 4 thôn vào ngày 29 tháng 11 năm Tân Hợi (1851) có nội dung giống nhau gồm 16 chữ “Thành hoàng bổn cảnh sắc tặng quản hậu chánh tu hiệu thiện tôn nghiêm tôn thần” cho Đình Thần Thới Bình.
Hiện vật bên trong di tích còn lại 7 thứ gồm: Sắc thần, Hương án thờ thần, Lư hương cổ, Long sàn, Hương án hội đồng và các cặp liễn đối. Hai hiện vật được xác định niên đại và có giá trị nhất đó là sắc thần vua ban và bộ lư hương bằng đồng.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đình Thần Thới Bình được chính quyền cách mạng dùng làm trạm y tế cứu thương và chăm lo sức khỏe cho dân. Năm 1945, đây là nơi sinh hoạt của tổ đảng gồm 5 đảng viên, là những thành viên trong Ban hương chức của đình do ông Huỳnh Văn Búng, làm tổ trưởng. Sau Hiệp định Geneve, đình cất lại cũng bằng cây lá, nhân dân sinh hoạt lễ hội bình thường. Đến năm 1964 mới sửa sang lại và xây bằng xi măng cho đến ngày nay.
Hằng năm, Đình Thần Thới Bình có hai dịp lễ lớn: Lễ hội Kỳ yên (Cầu an) được tổ chức vào ngày 20 và 21 tháng Hai âm lịch; Lễ hội Hạ điền (cúng Thần Nông) diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng Năm âm lịch. Lễ hội là dịp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian của nhân dân địa phương, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tề tựu tham dự.
Chúc bạn học tốt