Ngày 06-6-1884, Hiệp ước Pa-tơ-nốt được ký, đánh dấu sự đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn cũng như sự sụp đổ của nhà nước phong kiến Việt Nam và nước ta trở thành thuộc địa của Pháp. Thế nhưng, bất chấp sức mạnh của địch và sự ươn hèn của triều đình Huế, hưởng ứng phong trào Cần Vương, nhân dân Việt Nam từ mọi miền Tổ quốc đã nhất tề đứng lên chống Pháp. Các văn thân, sĩ phu mặc dù xuất thân từ giai cấp phong kiến, nhưng không chấp nhận thái độ đầu hàng của nhà Nguyễn, họ quyết tâm đứng về phía nhân dân, cùng nhân dân chiến đấu và trở thành những người đại diện, lãnh đạo phong trào. Tin vào sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân để đánh giặc; tin tưởng vào sức mạnh chính nghĩa của cuộc đấu tranh giữ nước là cơ sở quan trọng để các thủ lĩnh phong trào Cần Vương tập hợp lực lượng, tiến hành cuộc chiến đấu lâu dài, có quy mô sâu rộng trong cả nước, với sự tham gia của “hàng triệu quần chúng nhân dân trên cơ sở thống nhất giữa lòng yêu nước, đã một lòng đứng dậy chống giặc cứu nước”4. Trong phong trào này, nhân tài, vật lực lúc bấy giờ đã huy động tới mức cao nhất cho cuộc chiến chống quân xâm lược. Thực tế đã chứng minh, trong hơn 10 năm (từ 1885 đến 1895), trên đất nước Việt Nam, bất cứ ở nơi nào có thực dân Pháp xâm lược thì ở đó đều có sự nổi dậy của quần chúng nhân dân. Nghĩa quân Cần Vương đã lập nên nhiều chiến công oanh liệt ở Hương Khê, Ba Đình, Hùng Lĩnh, Bãi Sậy, v.v.
Cùng với phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế, do thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám đứng đầu đã huy động được đông đảo lực lượng tham gia và luôn được nhân dân che chở, vì thế đã tạo nên cuộc khởi nghĩa lớn nhất, bền bỉ nhất trong phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. Nhưng do thiếu đường lối lãnh đạo đúng đắn, phương pháp khoa học, nên Hoàng Hoa Thám không phát triển được lực lượng, mở rộng địa bàn hoạt động, tăng cường sức mạnh để giành thắng lợi to lớn hơn. Bởi vậy, phong trào chỉ dừng lại ở cuộc khởi nghĩa cục bộ, bị thực dân Pháp bao vây, tiêu diệt. Mặc dù có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu quật cường, nhưng các sĩ phu, văn thân đã không vượt qua được hạn chế về ý thức hệ phong kiến, không bắt kịp xu thế của thời đại, các cuộc khởi nghĩa không liên kết được với nhau để tạo sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, thúc đẩy phong trào đi đến thắng lợi cuối cùng.