I, Dàn ý tham khảo
A. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Thanh Hải
+ Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
- Giới thiệu tác phẩm: Mùa xuân nho nhỏ
+ Thi phẩm đã thể hiện sâu sắc vẻ đẹp mùa xuân của đất nước qua đó bộc lộ tâm niệm, ước nguyện của tác giả.
- Giới thiệu khái quát về đoạn thơ
B. Thân bài
1. Ước nguyện hòa nhập của tác giả
"Ta làm con chim hót... Một nốt trầm xao xuyến"
- Hình ảnh "con chim hót", "một nhành hoa", "một nốt trầm" đều là những hình ảnh nhỏ bé, tượng trưng cho tài năng đức độ của nhà thơ.
- Bên cạnh đó, chủ thể "tôi" trữ tình ở đầu khổ thơ đã chuyển thành "ta" kết hợp với động từ "làm", "nhập" thể hiện sự hóa thân kì diệu của nhà thơ.
+ Đại từ "ta" chỉ tất cả mọi người trong đó có tác giả.
+ Tất cả đều là một ước mơ nho nhỏ, chân tình và không cao siêu, vĩ đại. Đối với bạn đọc, điều này đã làm nên sự gần gũi, khiêm tốn và đáng yêu cho đoạn thơ.
2. Ước nguyện dâng hiến chân thành và cảm động của tác giả
"Một mùa xuân nho nhỏ....Dù là khi tóc bạc".
- "Mùa xuân nho nhỏ" là hình ảnh ẩn dụ độc đáo biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một lẽ sống cao đẹp của nhà thơ. Nhiều mùa xuân nho nhỏ sẽ làm nên mùa xuân lớn lao của đất nước.
+ Nó biểu hiện quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cá nhân với cái chung.
+ Thanh Hải kín đáo khẽ nhắc chúng ta: mỗi người hãy là một mùa xuân nhỏ để dâng hiện cho đời - đó cũng là nội dung nhan đề của bài thơ.
C. Kết bài
- Khẳng định giá trị của tác phẩm
- Tình cảm của em dành cho tác phẩm
II, Bài văn tham khảo
Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Trong số những tác phẩm mà ông để lại cho bạn đọc thì nổi bật nhất có lẽ là "Mùa xuân nho nhỏ". Thi phẩm đã thể hiện sâu sắc vẻ đẹp mùa xuân của đất nước qua đó bộc lộ tâm niệm, ước nguyện của tác giả. Điều này có lẽ được thể hiện rõ nét qua ba khổ thơ "Ta làm con chim hót ... tóc bạc".
Trước khí thế đi lên của đất nước, Thanh Hải đã tâm niệm:
"Ta làm con chim hót
........
Một nốt trầm xao xuyến"
Hình ảnh "con chim hót", "một nhành hoa", "một nốt trầm" đều là những hình ảnh nhỏ bé, tượng trưng cho tài năng đức độ của nhà thơ. Bên cạnh đó, chủ thể "tôi" trữ tình ở đầu khổ thơ đã chuyển thành "ta" kết hợp với động từ "làm", "nhập" thể hiện sự hóa thân kì diệu của nhà thơ. Đại từ "ta" chỉ tất cả mọi người trong đó có tác giả. Cái "ta" đã bao trùm lên cả cái "tôi". Cái "ta" là tiếng lòng của tất cả mọi người. Tất cả đều là một ước mơ nho nhỏ, chân tình và không cao siêu, vĩ đại. Đối với bạn đọc, điều này đã làm nên sự gần gũi, khiêm tốn và đáng yêu cho đoạn thơ.
Từ ước nguyện hòa nhập, tác giả khát khai dâng hiến chân thành và cảm động: "Một mùa xuân nho nhỏ... Dù là khi tóc bạc". "Mùa xuân nho nhỏ" là hình ảnh ẩn dụ độc đáo biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một lẽ sống cao đẹp của nhà thơ. Nhiều mùa xuân nho nhỏ sẽ làm nên mùa xuân lớn lao của đất nước. Nó biểu hiện quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cá nhân với cái chung. Thanh Hải kín đáo khẽ nhắc chúng ta: mỗi người hãy là một mùa xuân nhỏ để dâng hiện cho đời - đó cũng là nội dung nhan đề của bài thơ. Hơn thế nữa, cặp từ láy "nho nhỏ", "lặng lẽ" cùng cách đảo ngữ đã diễn tả một chân thành, một đức tính khiêm nhường của con người lấy tình thương làm chuẩn mực cho đạo lí sống. Sống để dâng hiến, để phục vụ, để đem tài năng cống hiến cho đất nước. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". Không chỉ dừng lại ở đó, trong hai câu thơ cuối, tác giả đã nói lên thời gian cống hiện thật cảm động:
"Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc".
Điệp ngữ "dù là" như là cách nói khẳng định, như một lời cầu nguyện thiết tha của Thanh Hải. Đó là tấm lòng thủy chung son sắt với đất nước. Thật là một cách nói bình dị, hồn nhiên và chân thành.
Thật vậy, bài thơ là tiếng lòng của nhà thơ. Thể thơ năm chữ được vận dụng một cách sáng tạo, tạo nên âm điệu của bài thơ. Lời thơ trong sáng, giọng thơ nhẹ nhàng tươi vui sâu lắng. Các hình ảnh chọn lọc, cảm xúc chân thành. Bài thơ đã thức dậy trong em tình yêu quê hương đất nước, yêu mùa xuân, xác định cho mình một lẽ sống đẹp. Sống với lẽ sống "Mình vì mọi người".