Bản sắc văn hóa của các dân tộc được thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng tộc người. Một trong những đặc trưng chung tạo nên phẩm chất con người và văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước, đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, gắn bó, hòa đồng với thiên nhiên, cộng đồng làng xóm và đức tính nhân hậu, vị tha của mỗi con người.
54 dân tộc Việt Nam được xếp theo 3 ngữ hệ và 8 nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường, Tày - Thái, Mông - Dao, Ka Đai, Tạng Miến, Nam Đảo, Hán.
Nhóm Việt - Mường có 4 dân tộc: Kinh, Mường, Thổ, Chứt. Đồng bào sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và đánh cá. Trong đời sống tâm linh có tục thờ cùng ông bà tổ tiên và các nghề thủ công truyền thống phát triển ở trình độ cao.
Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái có 8 dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y. Đồng bào cư trú tập trung ở các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái- Các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày Thái nói ngôn ngữ Nam Á, ở nhà sàn, cấy lúa nước kết hợp với làm nương rẫy, biết lợi dụng địa hình thung lũng, sáng tạo ra chiếc cối giã gạo, con quay cùng hệ thống mương, phai, lái, lín đưa nước về ruộng. Các nghề thủ công khá phát triển như: Rèn, dệt với các sản phẩm đẹp và tinh tế. Họ có quan niệm chung về vũ trụ, con người và những vị thần. Bên cạnh đó, mỗi tộc người lại có những bản sắc riêng, được biểu hiện thông qua trang phục, nhà cửa, tập quán ăn uống, phong tục, lối sống và nếp sống tộc người.