Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một cao trào giải phóng dân tộc đã dấy lên, lan nhanh ra cả châu Á. Tới cuối những năm 50, phần lớn các dân tộc châu Á đã giành được độc lập, trong đó có nhiều nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a... Sau đó gần như suốt nửa sau thế kỉ XX, tình hình châu Á lại không ổn định bởi đã diễn ra nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc, nhất là ở khu vực ta : Nam Á và Tây Á (còn gọi là Trung Đông). Các nước đế quốc cố duy trì ách trị của chúng, chiếm giữ các vị trí chiến lược quan trọng và ra sức ngăn cản phong trào cách mạng trong khu vực. Sau Chiến tranh lạnh, ở một số nước châu Á đã diễn ra những cuộc xung đột tranh chấp biên giới, lãnh thổ hoặc các phong trào li khai với những hành động khủng bố dã man (như giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan, hoặc ở Xri Lan-ca, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a...).
Tuy nhiên, cũng từ nhiều thập niên qua, một số nước ở châu Á đã đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, tiêu biểu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và Thái Lan. Từ sự phát triển nhanh chóng đó, nhiều người dự đoán rằng “thế kỉ XXI sẽ là thế kỉ của châu Á”. Là nước lớn thứ hai ở châu Á, sau khi giành được độc lập, Ấn Độ đã thực hiện các kế hoạch dài hạn nhằm phát triển kinh tế,xã hội và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, nhờ cuộc “cách mạng xanh" trong nông nghiệp. Ấn Độ đã tự túc được lương thực cho số dân hơn 1 tỉ người. Các sản phẩm công nghiệp chính của Ấn Độ là hàng dệt, thép, máy móc, thiết bị giao thông, xe hơi. Những thập niên gần đây, công nghệ thông tin và viễn thông phát triển mạnh mẽ. Ấn Độ đang cố gắng vươn lên bằng các cường quốc về công nghệ phần mềm, công nghệ hạt nhân và công nghệ vũ trụ.