1. Nội dung
Thế giới được tạo thành từ vô số những sự vật, những hiện tượng, những quá trình khác nhau Trong lịch sử triết học những người theo quan điểm siêu hình cho rằng các sự vật, hiện tượng tồn tại cô lập, tách rời nhau. Với quan điểm siêu hình giữa các sự vật, hiện tượng không có mối liên hệ, ràng buộc quy định nhau. Khái quát những thành tựu của khoa học tự nhiên hiện đại, phép biện chứng duy vật thừa nhận mối liên hệ phổ biến của các sự vật hiện tượng trong thế giới. Theo phép biện chứng duy vật, nguyên lý mối liên hệ phổ biến là sự khái quát các mối liên hệ, tác động, ràng buộc, quy định, xâm nhập, chuyển hóa lẫn nhau của các sự vật, hiện tượng và các quá trình trong thế giới. Theo cách tiếp cận đó, phép biện chứng duy vật chỉ ra rằng: mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều tồn tại trong mối liên hệ phổ biến cùng ràng buộc, chi phối lẫn nhau, vận động và biến đổi không ngừng. Trong thế giới không có sự vật, hiện tượng tồn tại cô lập, biệt lập nhau. Phép biện chứng duy vật khẳng định cơ sở của mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng là tính thống nhất vật chất của thế giới. Các sự vật, hiện tượng trong thế giới dù có đa dạng và rất khác nhau, thì cũng chỉ là những dạng tồn tại cụ thể của một thế giới duy nhất là vật chất. Ý thức của con người không phải là vật chất nhưng không thể tồn tại biệt lập với vật chất bởi vì ý thức cũng chỉ là thuộc tính của một dạng vật chất sống có tổ chức cao là bộ óc người; hơn nữa nội dung của ý thức cũng chỉ là kết quả phản ánh của các quá trình vật chất. Quan điểm duy vật biện chứng không chỉ khẳng định tính khách quan, tính phổ biến của mối liên hệ giữa các sự vật, các hiện tượng, các quá trình mà còn khẳng định tính đa dạng của sự liên hệ; bởi thế giới là một chỉnh thể với vô vàn các sự vật, hiện tượng khác nhau, chúng không ngừng vận động và phát triển một cách đa dạng. Có mối liên hệ bên ngoài, có mối liên hệ bên trong, có mối liên hệ chủ yếu, có mối liên hệ thứ yếu; có mối liên hệ chung bao quát một số lĩnh vực hoặc một lĩnh vực riêng biệt của hiện thực. Có mối liên hệ trực tiếp, có mối liên hệ gián tiếp. Có mối liên hệ bản chất và có mối liên hệ không bản chất, có mối liên hệ tất nhiên, có mối liên hệ ngẫu nhiên. Có mối liên hệ giữa các sự vật, có mối liên hệ giữa các mặt của mỗi sự vật. Phân loại các mối liên hệ là cần thiết bởi vì mỗi loại liên hệ có vai trò khác nhau đối với sự vận động và phát triển của các sự vật. Sự phân loại còn là cơ sở để xác định phạm vi nghiên cứu của phép biện chứng duy vật và của các ngành khoa học cụ thể. Tuy nhiên, việc phân loại liên hệ chỉ có ý nghĩa tương đối vì mỗi loại liên hệ chỉ là một hình thức, một bộ phận, mỗi mắt khâu của mối liên hệ chung của toàn bộ thế giới. Đây là cơ sở khoa học không chỉ để phân ngành các khoa học mà còn là cơ sở để hình thành các khoa học liên ngành.
* Ý nghĩa
- Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều tồn tại trong mối liên hệ phổ biến, đa dạng, do đó muốn nhận thức đúng và từ đó có phương pháp tác động có hiệu quả vào mỗi sự vật phải có quan điểm toàn diện. Quan điểm toàn diện đòi hỏi phải xem xét đầy đủ các mối liên hệ của sự vật đó với các sự vật khác; liên hệ trực tiếp và cả mối liên hệ gián tiếp; đồng thời xem xét các mối liên hệ giữa các yếu tố, thuộc tính bên trong của sự vật. V.I. Lênin viết: “ Muốn thực sự hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và “quan hệ gián tiếp” của sự vật đó”.
- Quan điểm toàn diện bao hàm quan điểm lịch sử cụ thể: phải nhận thức đầy đủ các mối liên hệ của sự vật, nắm được bản chất bên trong, trực tiếp, đồng thời phải nhận thức được không gian, thời gian, điều kiện cụ thể của sự vật tồn tại và xuất hiện các mối liên hệ, trên cơ sở đó mới nắm bắt được xu hướng biến đổi của sự vật. Quan điểm toàn diện đối lập với quan điểm phiến diện, là cách xem xét từng mặt, từng mối liên hệ tách rời nhau, không thấy được mối liên hệ nhiều vẻ đa dạng của sự vật. Vận dụng quan điểm toàn diện vào hoạt động thực tiễn, V.I. Lênin đã nêu lên tư tưởng về sự kết hợp chặt chẽ giữa “Chính sách dàn đều ” và “Chính sách có trọng điểm” trong “chính sách kinh tế mới”.
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã nêu lên quan điểm đổi mới toàn diện và bắt đầu từ đổi mới tư duy chính trị trong việc hoạch định đường lối chính sách đối nội, đối ngoại. Đồng thời Đảng cũng tập trung vào nhiệm vụ đổi mới kinh tế, khắc phục cuộc khủng hoảng về kinh tế- xã hội, tạo tiền đề vật chất và tinh thần để giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.