Đáp án:
Giải thích các bước giải:
Koshiduka Hayato đã từng nói: “Con người chúng ta từ khi sinh ra đã mang trong mình điều gì đó khiến người khác thấy hạnh phúc. Nên dù khó khăn đến mấy, khổ sở đến đâu trong chúng ta đều tồn tại sức mạnh để vượt qua”. Giữa cuộc đời đầy xô bồ tấp nập, đứng trước khó khăn cứ dồn tới, sức mạnh sinh tồn khiến người ta phải ganh đua nhau để có được chiến thắng. Nhưng liệu cứ mãi ganh đua, bon chen như thế chúng ta có tìm được hạnh phúc và thành công mãi mãi cho riêng mình? Chẳng biết tự bao giờ, có lẽ là từ khi tôi nhận ra mình không còn là một đứa trẻ chỉ biết khóc nhè đòi kẹo và cũng có thể là từ khi tôi hiểu được giá trị của cuộc sống, hiểu được rằng: cố gắng để làm nên thành công và vượt qua người khác là điều cần thiết nhưng nếu cứ cuốn vào vòng xoáy ganh đua và hiếu thắng rồi một lúc nào đó mình cũng bị đánh bật ra khỏi cuộc sống này. Và cũng không biết tự bao giờ những lời “Gửi con” của Bùi Nguyễn Trường Kiên lại trở nên thấm thía với tôi đến vậy:
“Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn
Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui
Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại
Lùi bước để hiểu mình. Cứ lùi thêm bước nữa
Chẳng sao
Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.”
Những câu thơ nhẹ nhàng nhưng thấm thía, nó không chỉ gửi đến người con mà tác giả muốn nhắn nhủ mà còn gửi đến tất cả những con người đang chạy đua với cuộc sống ngoài kia một thông điệp ý nghĩa mà sâu sắc để chúng ta có thể sống đẹp hơn, hiểu về ý nghĩa cuộc sống này hơn và cũng để hiểu mình hơn.Cuộc sống là một chuỗi tuần hoàn của những cảm xúc. Và “vui”, “buồn” chính là hai trạng thái đối lập trong sự biến đổi không ngừng ấy. “Vui” là khi ta đạt được mong ước, là khi cuộc đời của chúng ta rực rỡ những sắc màu của hạnh phúc. “Vui” là khi ta nở một nụ cười rạng rỡ với thành công mà mình đang nắm giữ. “Buồn” là mặt trái của niềm vui, ta buồn khi thất bại, gục ngã, “buồn” khi chưa đạt được những ước mong, khát vọng. Con người luôn có một khát vọng cầu tiến nên dù là “vui” hay “buồn” chúng ta vẫn muốn tiến lên. Tiến lên trong niềm vui kiêu hãnh hay tiến lên bằng sự đau đớn của nỗi buồn? Có thể ở một bước tiến ấy, con người lại vô tình “đánh mất mình”. “Đánh mất mình” khi huênh hoang với chiến thắng mà không biết vị trí mình ở đâu, khi quá day dứt với thất bại mà làm những điều gàn dở. “Đánh mất mình” là khi mải mê chạy theo cuộc sống xô bồ, mải mê bon chen nhau mà đánh mất đi những tình cảm vốn có, những phẩm chất tốt đẹp, những điều đáng qúy của bản thân. “Tiến bước” để vươn lên nhưng nếu “tiến” để “đánh mất” chính mình liệu có đáng? Đó là lúc ta nên “lùi lại” – lùi về phía sau để chắc chắn, để hiểu mình, hiểu người, để tìm lại sự cân bằng, hài hòa trong cuộc sống. Để có một giây phút nào đó “ngước lên cao” tìm thấy những vẻ đẹp, những điều lớn lao, những điều mà ta cần học tập để ngày càng hoàn thiện hơn. Và cũng để có một thời gian nhất định cho ta “nhìn xuống thấp”, biết mình chỉ là một cá thể trong xã hội, một con người bình thường như bao con người khác, một hạt cát trong sa mạc bao la, mình còn phải khiêm nhường và cố gắng nhiều lắm bởi “mình chưa cao”. “Tiến” và “ngước lên” không phải để ganh đua, bon chen, hãnh tiến, không vì vật chất danh lợi bản thân mà bán rẻ lương tâm, phẩm giá. Điều cần thiết là “tiến” và “ngước lên” để biết “lùi”, biết “nhìn xuống”, biết nhìn nhận, suy ngẫm, đánh giá về chính mình để giữ gìn nhân cách. Đó là cuộc sống thanh thản, hạnh phúc.