Người ta hô hào hội nhập kinh tế nhưng vẫn muốn giữ khư khư lề lối văn hoá truyền thống đó là Tết cổ truyền. Tôi không phủ nhận, Tết cổ truyền mới đúng là Tết sum họp của người Việt nhưng nó không còn phù hợp với tốc độ phát triển xã hội nhanh vũ bão như hiện nay.
Trên lý thuyết, Tết là sum họp, là tình thân và cũng có người cho rằng Tết cổ truyền là hồn của dân tộc, Tết còn thì dân tộc Việt mới còn. Tôi không nghĩ vậy, cá nhân tôi cho rằng nếu đã sống có tình thì 365 ngày trong năm đều tình nghĩa với nhau, đều sum họp với nhau chứ cần gì nhân danh Tết để bày mâm cao cỗ đầy? Và cái hồn ở dân tộc vốn dĩ nằm ở sự thịnh vượng, sự phát triển vượt bậc về kinh tế, sự hội nhập khéo léo về văn hoá cũng như chuẩn mực trong đạo đức, lối sống của con người. Hà cớ gì đạo đức xã hội càng xuống cấp, kinh tế thì thụt lùi, Tết thì ngày càng “nhạt” mà cứ phải khăng khăng “giữ hồn”?
Thực chất, cái mà chúng ta đang quyến luyến đó chính là Tết xưa, những cái Tết có lẽ chưa đủ đầy như bây giờ nhưng trọn vẹn vị Tết, những ngày chuẩn bị phơi phóng củ kiệu, lục tục làm dưa món, kho nồi măng hột vịt hay ở miền Bắc thì có thịt nấu đông. Sên mứt gừng, mứt dừa hương thơm bay đến cuối ngõ. Những ngày ba cố làm gắng cho đủ tiền mua cho con tấm áo mới kịp đón giao thừa, mẹ thì lấy tiền để dành mua cành mai, cành đào để nhà có không khí xuân. Ngày 23 đưa ông Táo, cả nhà quây quần bên nhau cung kính thắp hương. Ngày đó nghèo, nhưng ấm áp. Còn giờ đây, chúng ta đang sống ở cái thời mà giáp giao thừa vẫn còn có thể chạy ra mua vội mớ củ kiệu đóng hộp, mấy cái bánh chưng làm sẵn, đống mứt nhiều màu của tây của tàu đủ cả. Rồi chúng ta bỏ tiền tỷ ra để tái hiện những không gian tết xưa, vô cùng lãng phí và gượng ép.
Các nước nghỉ Tết tây, chúng ta cũng nghỉ. Rồi khi các nước quay trở lại vào guồng làm việc hăng hái suốt một năm, chúng ta lại rề rà vì chuẩn bị nghỉ Tết cổ truyền. Hết Tết cổ truyền vẫn uể oải, thậm chí là kiêng kỵ tiền vào tiền ra cho tới hết tháng Giêng. Trong khi với tốc độ kinh tế phát triển chóng mặt như hiện nay, các doanh nghiệp đua nhau tới từng phút từng giây, sự thắng thua trên thương trường quốc tế nó khác lắm với cái sự chém gió hơn thua nhau trên bàn nhậu những ngày Tết.
Có lẽ, thay đổi thói quen truyền thống là một điều khó khăn, nhưng bất kỳ dân tộc nào muốn phồn thịnh đều phải có những giai đoạn đau đớn như thế.
(Theo báo: vietnamnet.com.vn, “Gộp Tết tây với Tết ta: Chúng ta chọn phát triển hay chỉ quanh quẩn với vài nước láng giềng?”-Tuệ Nghi)
Câu 1: Chỉ ra thao tác lập luận chủ yếu được tác giả sử dụng trong đoạn văn trên.
Câu 2: Với tư cách là một người trẻ, trên lập trường của mình, anh/chị hãy giải thích câu nói của nhà văn: Tôi không phủ nhận, Tết cổ truyền mới đúng là Tết sum họp của người Việt nhưng nó không còn phù hợp với tốc độ phát triển xã hội nhanh vũ bão như hiện nay.
Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Có lẽ, thay đổi thói quen truyền thống là một điều khó khăn, nhưng bất kỳ dân tộc nào muốn phồn thịnh đều phải có những giai đoạn đau đớn như thế” và cho biết ý nghĩa của câu nói đối với mỗi chúng ta trong cuộc sống