Mục tiêu đối ngoại cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh là bảo đảm lợi ích quốc gia, như: độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hạnh phúc, tự do của nhân dân. Người nói “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”(1).
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại và hoạt động ngoại giao Việt Nam phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trước hết, trên hết. Qua đối ngoại, Người muốn gửi đến các nước trên thế giới thông điệp khẳng định: 1) Việt Nam là một nước độc lập; 2) Việt Nam thực hành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình và hữu nghị với các nước “tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không xâm phạm, không can thiệp vào các công việc nội bộ, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chung sống hoà bình”(2).
Trong thời kỳ đổi mới, mục tiêu đối ngoại vì lợi ích của quốc gia, được thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, qua chủ trương đối ngoại của Đảng “hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất”(3). Sau đó, được khẳng định cụ thể, trực tiếp trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011)(4), và trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XI, ở cả hai văn kiện, Đảng đều xác định mục tiêu đối ngoại là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc,..”(5). Việc nêu lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu trực tiếp của đối ngoại, có nghĩa: bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc mà tất cả các hoạt động đối ngoại, từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đến ngoại giao nhân dân, đều phải tuân thủ(6).
Chủ quyền quốc gia trên biển - là một bộ phận hữu cơ của chủ quyền quốc gia. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là bảo vệ lợi ích quốc gia - một mục tiêu đối ngoại cốt lõi theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trước việc Trung Quốc tuyên bố yêu sách đường 9 đoạn “Đường lưỡi bò”, dựa trên quyền lịch sử, chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông (bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), và thực hiện hàng loạt hành động “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”(7), thì vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo - bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam, đang đặt ra một cách cấp bách.
Quán triệt mục tiêu đối ngoại theo tư tưởng Hồ Chí Minh và phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người, cần thấm nhuần quan điểm có tính nguyên tắc - chủ quyền biển, đảo là lợi ích quốc gia - thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là cái “bất biến”. Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng thay mặt quốc gia Việt Nam, tuyên bố “nhân dân chúng tôi thành thực mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”(8); toàn thể nhân dân Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để giữ vững chủ quyền quốc gia. Cái “vạn biến” là phải linh hoạt, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Theo Hồ Chí Minh: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”(9).
Hội nghị Trung ương 4 khóa X (15-11-2007) ra Nghị quyết số 09-NQ/TW, Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xác định nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển để khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng kinh tế biển, đồng thời bảo đảm tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đề ra yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại về biển theo luật pháp và thông lệ quốc tế(10).
Ngày 21-6-2012, Quốc hội ban hành Luật biển Việt Nam. Theo Luật biển Việt Nam, thì Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Luật biển Việt Nam tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Luật biển Việt Namquy định các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế (Khoản 2 và 3, Điều 4).
Đó là những văn kiện khẳng định tính pháp lý về chủ quyền biển, đảo - lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam; khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; quy định nhiệm vụ của công dân và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Về tập hợp lực lượng trong quan hệ quốc tế, Hồ Chí Minh quan niệm đối ngoại là một mặt trận, cần mở rộng và tranh thủ mọi lực lượng, hình thức đấu tranh nhằm đạt hiệu quả cao nhất về đối ngoại “muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải... thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”(11).
Với trong nước, hoạt động đối ngoại phải dựa trên cơ sở sức mạnh bên trong - sức mạnh toàn dân, gồm sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hoá của đất nước - đó là sức mạnh tổng hợp quốc gia (là thực lực). Muốn thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải có thực lực: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(12).
Cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự đồng thuận, và phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đó là Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử, phù hợp Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) về chủ quyền biển, đảo. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta(13).
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn quy tụ, phát huy sức mạnh nhân dân, tạo thực lực mạnh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần: 1) Tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân hiểu biết đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ trên biển; 2) Nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; 3) Củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước; 4) Xây dựng lực lượng bảo vệ biển, đảo đủ mạnh; 5) Phát triển kinh tế biển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng biển, đồng thời bảo đảm thường xuyên an ninh và chủ quyền biển, đảo; 6) Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nhân dân biết rõ về các âm mưu, hành động của các thế lực bành trướng xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta.
Với bên ngoài, theo quan điểm Hồ Chí Minh “Nước ta là một bộ phận của thế giới. Tình hình của nước ta có ảnh hưởng đến thế giới, mà tình hình thế giới cũng có quan hệ đến nước ta”(14), những hoạt động của nước ta có muôn nghìn sợi dây liên hệ với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ; nhưng phải độc lập, tự chủ, phải khôn khéo, phải vạch rõ những phương pháp và những biện pháp của riêng mình, để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ lớn nhất của nhân dân tiến bộ trên thế giới; nhưng “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(15). Phải thực hành chính sách đối ngoại rộng mở, chính sách mở cửa và hợp tác, chính sách hoà bình và quan hệ tốt; tránh đối đầu, và không gây thù oán với một ai. Trong quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, cần tìm ra những điểm tương đồng, khai thác mọi khả năng có thể, nhằm tập hợp lực lượng đoàn kết ủng hộ Việt Nam theo nhiều cấp độ. Trong hoạt động đối ngoại phải phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá...
Theo Hồ Chí Minh, để tập hợp các lực lượng quốc tế đoàn kết ủng hộ Việt Nam, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về Việt Nam, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Biển Đông là tuyến vận tải biển lớn thứ hai thế giới, là nơi có tiềm năng lớn về tài nguyên biển. Do đó, bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông và bảo đảm an ninh Biển Đông là lợi ích chung của nhiều nước trên thế giới, trong đó đặc biệt là các nước lớn.
Đối với tổ chức ASEAN, ngoài 4 nước thành viên (Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei) có các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, liên quan trực tiếp đến yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Biển Đông còn là chủ đề quan trọng gắn với xây dựng môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển và phồn vinh của khu vực - một lợi ích hàng đầu của các nước Đông Nam Á. Điều đó được thể hiện qua việc ASEAN đã có nhiều Tuyên bố về tình hình Biển Đông. Năm 2002, ASEAN cùng Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); ngày 20-7-2012, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã đạt được một Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, tạo cơ sở để đảm bảo các bên liên quan tôn trọng, tuân thủ trong hành xử ở Biển Đông và khẳng định các hành vi vi phạm những nguyên tắc này sẽ ảnh hưởng tới ASEAN(16). Hiện nay, ASEAN đã sẵn sàng tiến tới ký kết một Bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực(17).
Như vậy, các nước và các tổ chức quốc tế nói chung, tổ chức ASEAN nói riêng, đều có chung lợi ích chiến lược trong việc bảo vệ an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông; mặt khác, việc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam được bảo đảm bằng cơ sở pháp lý và lịch sử, phù hợp Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, nên cộng đồng quốc tế đều cảm nhận được tính chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đây là mẫu số chung, là “điểm đồng”, là điều kiện để tập hợp lực lượng quốc tế đoàn kết ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Vận dụng tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh, để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, cần phải: 1) Thực hiện các kênh ngoại giao với nhiều hình thức, nhằm làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở lịch sử, và sự phù hợp Công ước Liên hợp quốc của chủ quyền biển, đảo Việt Nam; biết rõ sự thật lịch sử về việc chủ quyền biển, đảo Việt Nam đã và đang bị xâm phạm; 2) Thể hiện công khai, minh bạch lập trường của Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); sự kiên trì của Việt Nam về chủ trương giải quyết hòa bình, không sử dụng vũ lực trong các tranh chấp chủ quyền biển, đảo; 3) Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cần được quốc tế hóa; cần đưa tranh chấp phi lý xâm phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam ra các thiết chế luật pháp quốc tế; 4) Phát huy xu thế toàn cầu hóa, xu thế hòa bình, phát triển, để đẩy mạnh các hợp tác quốc tế song phương và đa phương, nhằm bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông và khai thác nguồn lợi kinh tế Biển Đông, chia sẻ trách nhiệm, lợi ích, qua đó tạo lợi ích đan xen về kinh tế Biển Đông với các nước; 5) Đối với tổ chức ASEAN, cần thể hiện sâu sắc hơn tư cách thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm cao; nhằm góp phần củng cố đoàn kết, tăng cường quan hệ hữu nghị với các thành viên, giữ vững và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; củng cố mối quan tâm chung của ASEAN là hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)(18); 6) Trên quan điểm độc lập, tự chủ, phát triển quan hệ, và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của tất cả các nước lớn, trên cơ sở lợi ích chung về an ninh, tự do hàng hải, lợi ích kinh tế trên Biển Đông. Đặc biệt chú ý quan hệ với Hoa Kỳ - một cường quốc hàng hải, đã nhiều lần tuyên bố họ có lợi ích ở Biển Đông. Lợi ích của Hoa Kỳ gắn với hòa bình, ổn định và việc không quốc gia nào được độc chiếm, chi phối Biển Đông. Trong quan hệ với các nước lớn, cần quán triệt tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh, là “sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hoà bình”(19); 7) Trong quan hệ với bên ngoài “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”, tránh những hành động nóng vội; tránh tự ty mà bỏ lỡ thời cơ ; tránh ảo tưởng, trông chờ vào bên ngoài; phải tỉnh táo để có những đối sách khôn khéo trước mắt và lâu dài; vận dụng hiệu quả nghệ thuật ngoại giao tâm công của Hồ Chí Minh - thuyết phục người, chinh phục người, tranh thủ người bằng lẽ phải và đạo lý(20).
Thực tế lịch sử cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại đã phát huy hiệu quả to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Ngày nay, trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bên cạnh các lợi thế, việc nghiên cứu sâu sắc tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh để vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể hiện nay, là việc làm có ý nghĩa thiết thực.