Bảng xếp hạng “Global Financial Centres Index” này được Z/Yen nghiên cứu và công bố 2 lần mỗi năm, với sự tài trợ của tổ chức Qatar Financial Centre Authority. Năm 2016 này, đã có 2.520 chuyên gia về dịch vụ tài chính hàng đầu ở khắp các châu lục tham gia cuộc bầu chọn - khảo sát. 86 thành phố toàn cầu nổi tiếng được đánh giá trên thang 1.000 điểm, dựa trên rất nhiều yếu tố như nhân tố cạnh tranh, số lượng nhân công lành nghề, các biện pháp chống tham nhũng và bình ổn chính trị, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh công bằng, chất lượng cuộc sống, chính sách thuế…
Dưới đây là 10 trung tâm tài chính đứng đầu danh sách năm nay. Trong số này có đến 5 thành phố của khu vực Bắc Mỹ.
1- London
Thủ đô Vương quốc Anh giữ vững ngôi vị Trung tâm tài chính lớn nhất hành tinh, tăng 4 điểm so với năm ngoái đạt 800 điểm. Nơi đây đã trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của châu Âu và cả thế giới từ thế kỷ 19. Pháp luật quốc tế về kinh doanh bằng Tiếng Anh được áp dụng rộng rãi cho tài chính quốc tế, với rất nhiều dịch vụ luật học được cung cấp tại London. Sang thế kỷ 21, London tiếp tục duy trì vị trí tối quan trọng của mình trong nền kinh tế toàn cầu, đạt thặng dư thương mại lớn nhất về các dịch vụ tài chính trên khắp thế giới.
Thủ đô của “xứ sở sương mờ” là trung tâm lớn nhất của các thị trường phái sinh, thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ và ngân hàng cho vay quốc tế. Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh (Bank of England) và Cơ quan Ngân hàng châu Âu (European Banking Authority) đều đặt tại đây từ ngày đầu. Năm nay, nhiều chuyên gia đang lo ngại khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của London.
2- New York
Quê hương của Wall Street tiếp tục đứng thứ nhì với 792 điểm, tăng 4 điểm so với lần xếp hạng trước. Từ giữa thế kỷ 20, New York City đã trở thành trung tâm tài chính hàng đầu Bắc Mỹ và thế giới. Năm nay, nơi đây vẫn là trung tâm lớn nhất trên thị trường cổ phiếu và thị trường vốn nợ, nhờ kinh tế Hoa Kỳ vẫn giữ vững ngôi số 1 hành tinh. NYSE và NASDAQ là 2 sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất toàn cầu đều hiện diện tại Wall Street.
New York cũng là nơi xảy ra hàng loạt thương vụ M&A đình đám, là nơi đóng trụ sở của nhiều quỹ phòng hộ, quỹ quản lý rủi ro, tập đoàn bảo hiểm, ngân hàng đầu tư… có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York lớn nhất trong hệ thống của Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ, chuyên đưa ra các quy định về tài chính cũng như chính sách tiền tệ quốc gia, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế cả thế giới.
3- Singapore
Quốc đảo nhỏ bé vùng Đông Nam Á tăng 5 điểm, đạt 755 điểm và soán vị trí thứ 3 của Hong Kong. Từ một đất nước không hề có tài nguyên thiên nhiên, chỉ sau vài chục năm Singapore đã trở thành một cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á, đạt thu nhập GDP bình quân đầu người trong top 10 thế giới. Đất nước dân chủ và tuyệt đối nói không với nạn tham nhũng, nền kinh tế đa dạng hóa với chính sách thu hút người tài từ tứ xứ đến cống hiến, Singapore đã nhanh chóng trở thành một trung tâm tài chính dẫn đầu châu Á.
Quốc đảo này là trung tâm lớn nhất trong châu lục về ngoại hối và kinh doanh hàng hóa, cũng là “trái tim” cho các hoạt động quản lý tài sản. Theo Cơ quan Tiền tệ của Singapore, giá trị tài sản ngành công nghiệp quản lý quỹ tại đây đang quản lý đã tăng 30%, đạt 2,36 nghìn tỷ SGD (1,75 nghìn tỷ USD) trong năm qua. Ngoài ra, vị trí giao thương thuận lợi của Singapore đã khiến nơi đây trở thành một trong những cảng biển bận rộn nhất toàn cầu.
4- Hong Kong
Đặc khu kinh tế Hong Kong giảm 2 điểm, đạt 753/1000 điểm và chính thức bị tụt xuống vị trí thứ 4. Từ hàng chục năm nay, quốc gia này có mối liên kết chặt chẽ về mặt tài chính với London và New York. Hệ thống luật pháp cơ bản của Hong Kong được xây dựng dựa trên luật của Vương quốc Anh. Nơi đây được coi là nền kinh tế tự do nhất thế giới, với hàng loạt chính sách ưu đãi của chính phủ dành cho doanh nghiệp như thuế suất thấp, thủ tục hành chính đơn giản…
Theo Cơ quan “Securities and Futures Commission” của Hong Kong, giá trị tài sản ngành công nghiệp quản lý quỹ tại đây đang quản lý đạt kỷ lục 17,7 nghìn tỷ HKD (2,3 nghìn tỷ USD) trong năm 2014. Với tầm quan trọng của mình, quốc gia này đã thu hút sự hiện diện của hầu hết 100 ngân hàng lớn nhất toàn cầu.
5- Tokyo
Thủ đô của “đất nước mặt trời mọc” tăng được 3 điểm so với năm trước, đạt 728 điểm và giữ vững 1 vị trí trong top 5 của “Global Financial Centres Index”. Tokyo nổi lên như một trong những trung tâm tài chính lớn nhất trong khu vực từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, sau khi hồi phục từ những cú sốc của thảm họa động đất và chiến tranh Thế giới II. Thành phố này vẫn đang duy trì mối liên kết khăng khít về tài chính với London và New York.
Với dân số 37,8 triệu người, Tokyo Metropolis là khu đô thị đông dân nhất thế giới. Nơi đây nổi tiếng với hệ thống giao thông công cộng hiện đại và thuận tiện, cùng hàng chục các cơ quan thông tấn, nhà đài. Thời gian gần đây, Tokyo đã xây mới rất nhiều tòa nhà văn phòng chọc trời kiên cố, chính phủ cũng liên tục khuyến khích sử dụng tiếng Anh trong ngành dịch vụ và nhà hàng. Năm qua, thành phố này được tạp chí Monocle xếp hạng là “Nơi sống lý tưởng nhất” trên toàn cầu.
6- Zurich
Thành phố rộng lớn nhất của Thụy Sĩ đạt 714/1000 điểm, giảm 1 điểm so bảng xếp hạng năm ngoái. Hãng tư vấn Mercer nhiều năm nay luôn xếp Zurich là thành phố có chất lượng sống tốt nhất hành tinh, cùng mức thuế thấp cho doanh nghiệp. Nơi đây là trung tâm hàng đầu thế giới về ngân hàng và quản lý tài sản. Hầu hết các nhà băng của đất nước này đều đặt trụ sở chính tại Zurich, cùng sự hiện diện của rất nhiều “đại gia” ngân hàng từ quốc tế.
10 trong số 50 công ty lớn nhất thế giới cũng đang đặt trụ sở chính ở đây, như ABB, UBS, Credit Suisse, Swiss Re và Zürich Financial Services. Sàn giao dịch chứng khoán Thụy Sĩ đặt tại Zurich là sàn chứng khoán lớn thứ 4 toàn cầu. Ngoài ra, do Thụy Sĩ không phải là thành viên Liên minh châu Âu, Zurich cũng không cần trực tiếp tuân theo các luật định của EU.
7- Washington DC
Năm ngoái đứng cuối trong top 10, sang 2016 này thủ đô Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tuy chỉ tăng 1 điểm đạt 712/1000, nhưng tăng tới 3 bậc trong danh sách của Z/Yen Group. Là trung tâm chính trị của quốc gia, Washington có tới 176 đại sứ quán quốc tế, là trụ sở
Thành phố này cũng là trung tâm tài chính lớn thứ nhì của nước Mỹ, có trụ sở chính của những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng phát triển Liên Mỹ (IDB).
8- San Francisco
Với chỉ 1 điểm thấp hơn thủ đô, thành phố San Francisco đứng hạng 8, tăng 1 bậc so với 2015. “The City by the Bay” có mật độ dân cư đông thứ nhì trong số các thành phố của Hoa Kỳ, chỉ sau New York City. Nơi đây nổi tiếng với các dịch vụ chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính, du lịch và đặc biệt là công nghệ. Với “cuộc đổ xô đi tìm vàng” hồi đầu thế kỷ 20 ở California, San Francisco trở thành trung tâm tài chính và ngân hàng của Bờ Tây. Phố Montgomery Street được gọi là “Wall Street of the West”.
San Francisco được trên 30 tổ chức tài chính quốc tế, 6 công ty trong danh sách Fortune 500 cùng ngân hàng Wells Fargo đặt trụ sở chính. Rất nhiều tập đoàn tài chính lớn, nhà băng đa quốc gia, các quỹ đầu cơ mạo hiểm đều có trụ sở trong thành phố. Nơi đây cũng nổi tiếng với sự có mặt của “Thung lũng Silicon”, là “tâm chấn” trong cả thời kỳ bùng nổ bong bóng dotcom internet hồi thập kỷ 90, và sau này là mạng xã hội hồi cuối những năm 2000.
9- Boston
Tuy không thay đổi điểm số, nhưng 709 điểm là đủ để đưa thủ phủ của bang Massachusetts tăng tới 3 bậc trong bảng xếp hạng “Global Financial Centres Index 2016”. Là một trong những thành phố lâu đời nhất của Hoa Kỳ, nơi đây luôn nằm trong số “thành phố đáng sống nhất thế giới” dù có chi phí cực kỳ đắt đỏ. Nền kinh tế của Boston nổi tiếng với các ngành dịch vụ tài chính, giáo dục, công nghệ thông tin và y tế.
Trung tâm tài chính Boston nổi lên là một thế lực hàng đầu của Hoa Kỳ nhờ sự có mặt của các quỹ tương hỗ (Mutual fund), quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) và hoạt động bảo hiểm. Thành phố là nơi đặt trụ sở chính của quỹ đầu tư nổi tiếng Fidelity Investments, ngân hàng Santander Bank, công ty quản lý tài sản State Street Corporation cũng là hãng tài chính lâu đời thứ nhì của Mỹ…
10- Toronto
Giảm 7 điểm so với 2015, Toronto chỉ còn 707 điểm và bị tụt 2 bậc, đứng cuối trong bảng xếp hạng 10 Trung tâm Tài chính hàng đầu thế giới. Đây là thành phố đông dân nhất của Canada và đông thứ 4 Bắc Mỹ. Được coi là “thủ đô tài chính của Canada”, nơi đây trở thành một trong những trung tâm tài chính, kinh doanh, bảo hiểm phát triển nhanh nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái cuối những năm 2000, nhờ sự vững vàng của hệ thống ngân hàng Canada.
Toàn bộ “Big Five” – 5 nhà băng lớn nhất thống trị ngành công nghiệp ngân hàng của quốc gia này đều đặt trụ sở hoạt động ở Toronto. Hầu hết các tổ chức, tập đoàn tài chính, trụ sở chính ngân hàng và công ty môi giới, bảo hiểm đều tập trung dọc Bay Street, quận Financial District. Đây cũng là nơi “đóng đô” của sàn chứng khoán Toronto – sàn giao dịch lớn thứ 7 thế giới tính theo vốn hóa thị trường./.