Loài người đã có nhiều nỗ lực để thu nhỏ kích cỡ lỗ thủng tầng ozone của Trái Đất. Tuy nhiên lỗ thủng đó vẫn còn rất to.
Quan chức Cơ quan Khí tượng Nhật Bản mới đây cho biết, lỗ thủng tầng ozone nhất thời xảy ra hàng năm ở Nam Cực đã nhỏ hơn năm 2015 nhưng vẫn khá lớn, tương đương với mức trung bình trong suốt thập kỷ qua.
Tầng Ozone (giữa). Ảnh: Firsttoknow.
Lỗ thủng ozone dùng để chỉ sự suy giảm ozone nhất thời hằng năm ở hai cực Trái Đất, những nơi mà ozone bị suy giảm vào mùa Xuân (lên tới 70% trên khoảng 25 triệu km vuông của Nam Cực và 30% ở Bắc Cực). Lượng ozone này được tái tạo trở lại vào mùa hè. Nồng độ clo tăng cao trong tầng bình lưu khi các khí CFC và các khí khác do loài người sản xuất ra bị phân hủy, chính là nguyên nhân gây ra sự suy giảm này.
Dựa vào dữ liệu do vệ tinh cung cấp, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết lỗ thủng nhất thời ozone ở Nam Cực xuất hiện vào tháng 8 năm nay và mở rộng đến kích cỡ lớn nhất vào ngày 28/9 vừa qua, đạt diện tích lến đến 22,7 triệu km vuông, tức là gấp 1,6 lần diện tích của Nam Cực.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết, nồng độ các chất gây ra lỗ thủng ozone đang giảm đáng kể nhờ những nỗ lực toàn cầu nhưng vẫn còn ở tốc độ khá khiêm tốn.
Lỗ thủng ozone này xuất hiện hàng năm vào khoảng tháng 8 đến tháng 12, nó đã đạt diện tích lớn thứ 4 trong lịch sử ghi chép của các nhà khoa học từ khi phát hiện hiện tượng lỗ thủng ozone đến nay.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cho rằng, phải đến nửa sau của thế kỷ 21 này, con người mới thu hẹp lỗ thủng ozone xuống diện tích bằng với trước những năm 1980 của thế kỷ trước./.