Trong đoạn trích "Tức nước vỡ bờ", nhân vật chị Dậu đã có sự chuyển biến từ đấu lí sang đấu lực vô cùng rõ ràng. Khi bọn cai lệ và người nhà lí trưởng đến, chị Dậu đã nhún nhường và dùng những lời lẽ van xin chúng. Cách xưng hô "cháu-ông" cho thấy sự hạ mình hết mức và nhún nhường của chị Dậu. Chị nhẫn nại, hạ mình như vậy cũng vì mong chúng cho nhà chị thêm thời gian để lo chạy sưu, để chúng không động vào anh Dậu nữa. Thế nhưng, khi nhà cai lệ bỏ mặc ngoài tai những lời van xin của chị mà một mực đòi đến bắt trói anh Dậu đi, chị đã thay đổi cách xưng hô thành "tôi-ông". Cách xưng hô này cho thấy sự ngang bằng của chị với bọn cai lệ. Người đọc cũng cảm nhận được sự giận dữ bên trong chị Dậu đang trào dâng mãnh liệt. Cuối cùng, khi bọn cai lệ đánh chị, thì chị Dậu giống như giọt nước tràn ly không thể chịu đựng thêm nữa. Một mặt vì quá tức giận, uất ức, một mặt vì muốn bảo vệ người chồng đang đau ốm của mình, chị buộc phải vùng lên chống lại bọn chúng. Cách xưng hô "bà-mày" cùng hành động đánh trả bọn cai lệ đã cho thấy được tinh thần phản kháng mãnh liệt của chị Dậu. Có lẽ, tinh thần phản kháng mãnh liệt ấy của chị cũng xuất phát từ tình yêu thương chồng của chị. Việc chị Dậu đánh thắng lại bọn cai lệ dù trong khoảnh khắc rất ngắn cũng thể hiện được sự phản kháng mãnh liệt của những người nông dân trong xã hội xưa. Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng cách kể chuyện sinh động, tình huống truyện kịch tích và nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật vô cùng đặc trưng và thành công (chị Dậu đại diện cho người nông dân thấp cổ bé họng nhưng giàu tinh thần phản kháng, bọn cai lệ đại diện cho thế lực cầm quyền thì độc ác, hung hãn). Theo em, từ chỗ nhún nhường nhẫn nhịn, chị Dậu buộc phải vùng lên đấu tranh lại với cai lệ và người nhà lí trưởng bởi vì hai lý do chính. Lý do thứ nhất đó là tên cai lệ và người nhà lí trưởng không quan tâm đến lời van xin của chị, chúng vẫn nhảy bổ vào để đòi đánh trói chồng chị đi. Vì vậy, hành động của chị chính là xuất phát từ tình yêu thương chồng, từ việc cai lệ và người nhà lí trưởng cứ một mực đòi trói chồng chị đi. Lý do thứ hai đó là tinh thần phản kháng mãnh liệt của chị. Vì chị không thể dùng cách nhún nhường nhẫn nại mà cầu xin cai lệ, người nhà lí trưởng được nên cách duy nhất chị có thể dùng đó là vùng lên đấu tranh với chúng. Tiếp theo, sự chuyển biến trong lời nói và hành động của nhân vật chị Dậu cũng thể hiện được giá trị nhân văn vô cùng cao đẹp. Nhà văn không chỉ vạch trần được bộ mặt thật của xã hội phong kiến qua hành động của tên cai lệ và người nhà lí trưởng mà còn thể hiện được tinh thần phản kháng mạnh mẽ của chị. Đó chính là thông điệp tức nước vỡ bờ mà đoạn trích muốn thể hiện. Tóm lại, sự chuyển biến trong lời nói và hành động của chị Dậu đã làm nên giá trị nhân văn tốt đẹp cho toàn bộ đoạn trích.