Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuất hiện cụm từ "văn hóa giao thông". Vậy văn hóa giao thông nghĩa là gì?
Văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ. Ví dụ như việc nhường ghế trên xe buýt, nhường đường cho người đi bộ, giúp đỡ cụ già và em nhỏ khi tham gia giao thông... Vậy vì sao chúng ta phải xây dựng văn hóa giao thông an toàn?
Trước hết, chúng ta hãy cùng nhìn về văn hóa giao thông của nước ta:
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 5703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3314 người, bị thương 3690 người. Đặc biệt, ở tỉnh Đồng Nai chúng ta, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 110 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 88 người và 48 người bị thương. Một con số thật khủng khiếp! Một điều đáng buồn là tại Việt Nam số người bị thương hay tử vong do tai nạn giao thông vô cùng lớn. Hơn thế nữa, trong số những người bị tai nạn giao thông còn có cả những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Từ những hình ảnh trên, ta có thể khẳng định 1 điều rằng văn hóa giao thông ở nước ta chưa thật tốt. Và nếu không thực hiện văn hóa giao thông sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề về người và của. Có rất nhiều những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như: thiên tai, lũ lụt, cơ sở hạ tầng.... Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc thiếu ý thức trong xây dựng văn hóa giao thông. Chỉ với một sơ suất nhỏ hay một phút giây bất cẩn thì tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của bao người, gây ra nỗi đau về tinh thần và thể xác không thể nào bù đắp được cho những người ở lại. Và thực tế này vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ, ở mọi lúc, mọi nơi.
Theo Bộ Giao Thông Vận Tải, nguyên nhân lớn nhất gây ra tai nạn giao thông đường bộ là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường chiếm 20,51%, còn các vi phạm khác như: Vi phạm tốc độ xe chạy chiếm 5,52%, lái xe sử dụng ma túy chiếm 0,04%, lái xe sử dụng rượu bia chiếm 1,46%... Ở ngay đất nước chúng ta, không quá khó để bắt gặp cảnh tượng kẹt xe trên các tuyến đường vào giờ cao điểm. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân lấn làn, chen chúc, “thân ai nấy lo” để vượt lên trước xe khác, hay đậu xe không đúng nơi quy định, buôn bán tràn từ vỉa hè xuống lề đường, các chợ tự phát mọc lên ở những nơi đông dân cư, ven đường quốc lộ. Những cảnh tượng này cực kì nguy hiểm khi chúng ta tham gia giao thông.
Mỗi ngày đều có những vụ va chạm giao thông vì việc sử dụng rượu bia khi lái xe. Có những người biện hộ: “vì tính chất công việc”, “vì bị ép uống”. Hơn thế nữa, còn có cả những người tài xế mà lại sử dụng “chất cấm” khi điều khiển phương tiện giao thông, từ đó gây nên bao nhiêu vụ tai nạn giao thông thương tâm, thảm khốc. Những vụ tai nạn giao thông vì sử dụng ma túy hầu hết đều vô cùng khốc liệt. Đó chính là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta về một môi trường tham gia giao thông lành mạnh, an toàn.
Ngoài ra, các bạn học sinh cũng góp phần vô cùng quan trọng trong việc xây dựng văn hóa giao thông. Có câu nói: “Trẻ em là tương lai của đất nước”. Thế mà một số những “mầm non đất nước” này đã ngang nhiên coi thường, vi phạm pháp luật, dễ gặp nhất ở nước ta là tình trạng học sinh lạng lách, dàn hàng ngang, đi xe máy điện khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, chỉ khi gặp cảnh sát giao thông mới “bẽn lẽn” đội mũ bảo hiểm hoặc giảm tốc độ để không bị phạt. Đó mới là một trong rất nhiều biểu hiện thể hiện ý thức kém của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Nếu với ý thức chấp hành luật giao thông không nghiêm chỉnh như thế thì dù có hàng nghìn biện pháp, con sô thương vong cũng không giảm là bao. Và đặc biệt là điều khiển xe gắn máy trước độ tuổi quy định. Rất nhiều những vụ tai nạn giao thông do học sinh gây ra đã để lại hậu quả nặng nề cho người thân, gia đình và là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội.
Đối với bản thân người bị tai nạn giao thông thì nó có thể cướp đi mạng sống của họ, những trường hợp may mắn còn sống sau tai nạn giao thông có thể bị ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, phải nằm viện điều trị trong thời gian dài hoặc phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn, có nhiều người chịu tàn phế, sống cuộc đời thực vật do tai nạn giao thông. Bên cạnh bị thiệt hại về sức khỏe mà tại nạn giao thông còn ảnh hưởng đến tâm lý của người bị tai nạn, khiến họ phải lo sợ mỗi khi ra đường.
Với những gia đình có người thân bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống thì họ sẽ đau đớn rất nhiều về tinh thần, không gì có thể bù đắp được hoặc nếu may mắn hơn, người thân của họ còn sống thì gia đình cũng mất thời gian, công sức chi phí để chăm sóc và điều trị. Cảnh con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con là những hình ảnh tang tóc đầy đau thương do tai nạn giao thông gây ra. Trong lịch sử, đất nước ta cũng đã trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh với rất nhiều người hi sinh. Nhưng những người chiến sĩ hi sinh cho Tổ quốc ấy, họ sẽ đời đời được ghi ơn, được kính trọng. Còn đối với người chết do tai nạn giao thông, xã hội chỉ coi đấy là những cái chết vô nghĩa, và cũng chính những người tham gia giao thông ấy vì sơ suất mà ra đi mãi mãi.
Tai nạn giao thông còn dẫn đến nghèo đói, lạc hậu, bệnh tật bởi có tới 70% số vụ, số người tử vong là đối tượng thanh niên, trụ cột trong gia đình, là những người thuộc tầng lớp lao động chính trong xã hội. Khi ấy, thiệt hại về kinh tế đem đến cho đất nước là vô cùng lớn.
Chưa kể đến, việc một đất nước có số vụ tai nạn giao thông nhiều sẽ gây ảnh hưởng lớn với nền kinh tế. Qúy thầy cô và các bạn thử hình dung khi một công ty nước ngoài muốn đầu tư vào một đất nước, họ sẽ xem xét 3 yếu tố quan trọng, và 1 trong số đó là vấn đề giao thông. Ảnh hưởng kinh tế của tai nạn giao thông còn thể hiện ở cơ sở vật chất: mỗi vụ tai nạn giao thông có ít nhất 2 phương tiện giao thông bị hư hỏng, chúng ta sẽ khó có thể hình dung ra được số tiền dùng cho việc sửa chữa các phương tiện giao thông nếu số vụ tai nạn giao thông xảy ra nhiều.
Từ những hậu quả trên, chúng ta càng hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Vậy, chúng ta cần làm gì?
Để giảm thiểu tai nạn giao thông, chúng ta, những người dân, những người tham gia giao thông cần phải nâng cao ý thức của bản thân và cộng đồng. Cần phải xây dựng văn hóa giao thông an toàn.
Hiện nay, Đảng và nhà nước đã và đang cố gắng cải thiện hệ thống hạ tầng để phù hợp với nhu cầu của người dân. Hơn thế nữa, có rất nhiều những diễn đàn những hội nghị, những khẩu hiệu, những áp phích tuyên truyền về văn hoá giao thông được tổ chức thường xuyên cho thấy sự quan tâm của chính phủ đến vấn đề giao thông là vô cùng lớn. Để đề phòng thiên tai, nhà nước ta cũng đưa ra nhiều chính sách để cải cách, trồng lại các rừng đầu nguồn, xây đê chắn lũ, nâng cao chất lượng hạ tầng để đáp ứng nhu cầu người dân.
Vậy với chúng ta, những người tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và xã hội, phải có đủ kiến thức, hiểu biết về giao thông để xây dựng được văn hoá giao thông an toàn. Việc tổ chức hoặc tham gia những buổi diễn đàn, thuyết trình hay giảng dạy kiến thức về giao thông cho mọi người, giúp mọi người nắm được những điều luật cơ bản khi tham gia giao thông. Người dân phải hiểu biết đúng, đầy đủ những quy định của pháp luật về an toàn giao thông như: khi đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm; đi đúng làn đường, phần đường; tuân thủ quy định về tốc độ; dừng đỗ xe đúng quy định; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tuân thủ điều lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo giao thông, vạch kẻ đường; điều khiển xe máy dưới 50 phân khối đúng độ tuổi quy định, điều khiển xe mô tô phải có giấy phép lái xe…
Bên cạnh đó, mỗi người cần tự ý thức trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt khi ở những nơi công cộng như: trên các phương tiện giao thông công cộng, trạm dừng nghỉ, bến xe, bến phà… Khi tham gia giao thông có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người. Không thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng; phê phán, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như: lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy; sử dụng vỉa hè làm nơi để buôn bán hàng hóa; rải đinh trên đường; ném đất, đá lên tàu hỏa; xả rác, nước thải ra đường… Tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông khi gặp hoạn nạn; giúp đỡ người tàn tật, trẻ em và người cao tuổi. Có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, phù hợp nếu có tình huống không may xảy ra va chạm giao thông. Chấp hành quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về giao thông. Trên các phương tiện đại chúng, cũng không hiếm thấy tin tức người tham gia giao thông gây thương tích cho cảnh sát giao thông khi xử phạt, hay những vụ hành hung tập thể chỉ vì va chạm nhỏ trên đường với nhau… Đó là những hành vi đáng phê phán và chúng ta cần phải biết ngăn chặn để xây dựng một cộng đồng văn hoá, giao thông được an toàn.
Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là trách nhiệm của học sinh. Em may mắn khi học tại mái trường .... Vào mỗi một học kì, chúng em đều được các cô chú công an giao thông của phòng giao thông công an thành phố về giảng dạy những điều về an toàn giao thông, trong những buổi nói chuyện ấy, chúng em cũng có cơ hội để chia sẻ kiến thức, hiểu biết của mình về an toàn giao thông đến bạn bè, gia đình, người thân . Bên cạnh đó, chúng em còn được tham gia nhiều chương trình bổ ích liên quan đến giáo dục an toàn giao thông: chẳng hạn như vẽ tranh tuyên truyền luật giao thông đường bộ; Hội thi tìm hiểu về an toàn giao thông dưới cờ trong các buổi sinh hoạt đầu tuần; trong các tiết học thầy cô đều lồng ghép kiến thức về an toàn giao thông bằng những mô hình giao thông sinh động rất hấp dẫn; Có những ngày thứ 7 xanh, cùng các thầy cô đoàn viên của trường đi thu gom rác thải trên các tuyến đường, giữ gìn các con đường sạch đẹp, góp một phần nhỏ vào việc xây dựng đất nước với văn hóa giao thông an toàn .
Các bạn ơi! Học sinh chúng mình là thành phần đông đảo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, Mang trên mình trách nhiệm cao cả, chúng mình phải luôn cố gắng ra sức học tập và đem một phần công sức của mình góp vào tiếng nói chung để cố gắng thực hiện tốt khẩu hiệu “Vì giao thông Việt Nam phát triển, an toàn”. “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà!” vậy nên tất cả chúng ta đều có thể góp phần vào việc xây dựng văn hoá an toàn giao thông.