Tháng năm về,hoa phượng nở xôn xao
Đỏ rực rỡ, cháy bỏng trời mùa hạ
Hoa học trò tưng bừng nô nức quá
Lại nhớ trường, nhớ lớp đến nôn nao.
Những câu thơ trên của nhà thơ Trần Thị Tĩnh đã phần nào nói hộ những nỗi lòng, tình tự của người học sinh khi phượng nở, hè về. Hình ảnh cây phượng cao lớn, xanh tốt cứ thế mà hiện lên trong tâm trí em, không sao xóa mờ đi được.
Cây phượng mà em muốn nói đến, là cây phượng được trồng sát ngay bờ tường của tòa nhà chúng em học tập. Không ai biết cây phượng năm nay bao nhiêu tuổi. Nhưng theo lời kể của ông bảo vệ, thì từ khi mua đất xây trường đã có cây phượng rồi. Thấy cây đẹp quá lại đương tràn trề sức sống, người ta không nỡ bỏ đi, nên quyết định xây trường cùng với cây phượng. Cây phượng đúng là đẹp thực. Cây cao đến hơn ba mét. Nhìn từ ngoài cổng, phần tán lá xum xuê của cây bao trùm lên cả mái của tòa nhà hai tầng. Thân cây mọc thẳng, sừng sững, oai vệ. Phải cả ba đứa học sinh chung em mới ôm hết phần thân cây đó. Lớp vỏ trên thân cây nâu sẫm, xù xì, thật là già cỗi. Ấy thế mà, phần tán lá của cây phượng lại xanh mướt, rì rào suốt cả năm, như một người thiếu nữ mới lớn. Nếu nhìn bao quát cả cây phượng từ phía xa, trông nó không khác gì một cây nấm xanh khổng lồ trong những bộ phim hoạt hình ngày bé vẫn thường xem.
Nói đến cây phượng là nói đến những kỉ niệm, năm tháng của tuổi học trò chúng em. Hằng ngày, qua khe cửa, cây phượng dịu hiền quan sát chúng em học bài. Thỉnh thoảng, những cành lá lại đung đưa, rì rào nhưng đang nhắc nhở, cổ vũ chúng em thêm cố gắng hơn. Những buổi ra chơi hay tập thể dục, đứa nào cũng tranh nhau để được ngồi dưới gốc cây phượng. Vừa mát mẻ, sạch sẽ, lại có chỗ tựa lưng. Còn lại thì thỏa thích chạy nhảy dưới bóng mát bao trùm đến gần nửa sân của cây phượng. Ở đó, biết bao trò chơi đã được diễn ra. Nào là đuổi bắt, bịt mắt bắt dê, bắn bi, nhảy dây, đá cầu… Hoặc đơn giản chỉ là ngồi một góc, bàn tán xôn xao về đủ thứ chuyện trên đời. Thế là vui lắm rồi. Cây phượng như một người anh, một người chị dịu dàng che chở chúng em vui chơi dưới sân.