Trong học tập có rất nhiều tấm gương nhờ kiên trì, nỗ lực mà thành tài. Thật vậy, điều đó là hoàn toàn đúng. Trước hết, ta cần hiểu thế nào là kiên trì, nỗ lực? Đó là tinh thần, ý chí nghị lực, là cần cù, siêng năng, chăm chỉ để đạt vươn tới thành công. Người có ý chí nghị lực, vượt khó, kiên trì luôn được mọi người yêu mến và đạt được nhiều thành tích cao trong học tập và cuộc sống. Thực tế cho chúng ta thấy có rất nhiều người sở hữu đức tính cao quý ấy. Như Nguyễn Ngọc Ký, mặc dù bị liệt cả hai tay hai chân, gia cảnh nghèo khó nhưng Ký vẫn chăm chỉ, siêng năng học tập, nghị lực vượt qua những giới hạn của bản thân. Bằng tất cả sự nỗ lực ấy, Ký đã trở thành người thầy giáo giỏi. Hay như bạn Trần Thu Hà, là người dân tộc Tày, không có hoàn cảnh đầy đủ như bao bạn nhỏ khác. Nhưng bạn chẳng bao giờ tự ti về điều đó mà lại lấy nó làm động lực để vươn lên trong học tập. Bởi lẽ đó mà bạn đã được nhà nước tuyên dương. Đúng như Lê - nin đã từng nói "Học, học nữa, học mãi". Qúa trình học tập không chỉ dừng lại ở những năm tháng ta cắp sách tới trường mà nó còn tiếp biến mãi mãi. Bởi kiến thức là mênh mông, vô tận. Do đó, thử hỏi xem, nếu không bền bỉ, kiên trì, nỗ lực thì làm sao ta có thể thành tài. Từ đó có thể khẳng định rằng, trong học tập, có bền bỉ, chăm ngoan, cần cù, bạn sẽ đạt được nhiều thành tích cao. Hơn thế nữa, nó còn là động lực giúp bạn vượt qua khó khăn, thử thách cùng nhưng dông tố của cuộc đời. Tuy nhiên, chăm chỉ học tập những kiến thức trong sách vở thôi chưa đủ. Bạn còn cần phải áp dụng nó vào thực tiễn cuộc sống. Đúng như cha ông ta đã căn dặn "Học đi đôi với hành". Qua đây, mỗi chúng ta hãy kiên trì, nỗ lực, gắng sức học hành và biết vận dụng nó thành những bài học thực tế, có như vậy, bạn mới tìm thấy chìa khóa vàng để mở cánh cửa thành công, trở thành người tài giỏi.