Quê Basho ở Mie. Ông lên sống ở Edo (Thủ đô Tokyo ngày nay) mười năm mới về lại thăm quê. Khi còn sống ở Edo, mặc dù đã qua “mười mùa sương” nhưng ông thấy Edo cũng chỉ là nơi “đất khách” quê người, không có gì là gần gũi thân quen. Bản thân ông có cảm giác của một người tha hương. Nhưng khi rời khỏi Edo, trong khoảnh khắc “ngoảnh lại”, ông chợt nhận ra rằng, Edo đã để lại biết bao lưu luyến, nhớ thương trong trái tim mình. Biết bao vấn vương, nhớ nhung gửi trong cử chỉ “ngoảnh lại”. Chỉ sau cử chỉ ấy, trong tim nhà thơ, tình cảm dành cho Edo đã có sự thay đổi kỳ diệu. Từ nơi “đất khách”, Edo đã trở thành “cố hương”, nơi lưu giữ những kỷ niệm xiết bao trìu mến không thể nào quên. Với Edo, từ cảm giác của một người lưu lạc tha hương, Basho thấy mình trở thành một người con của Edo. Chân lý được trực nhận trong một khoảnh khắc thực tại qua trải nghiệm của chính nhà thơ. Chân lý vì vậy trở nên chân thực, thấm thía vô cùng. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được tình yêu của Basho dành cho Edo, mảnh đất đã cưu mang, che chở cho ông suốt những tháng năm lưu lạc. Từ bài thơ hiện lên hình ảnh một con người có tâm hồn nhạy cảm, thuỷ chung với những miền quê mình đã đi qua, gắn bó thiết tha với những nơi mình đã sống.