Hình ảnh ông đồ trong hai khổ thơ đầu tiên của bài Ông đồ gợi ra cho mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ. Hình ảnh ông đồ gắn với công việc viết chữ ngày Tết. Từ "mỗi năm" cho thấy được sự đều đặn trong việc cho chữ của ông đồ. Hình ảnh ông gắn với hoa đào mỗi dịp xuân về, gắn với mực tàu, giấy đỏ. Hình ảnh liệt kê trong câu thơ cho ta hiểu hơn về ông đồ và hình ảnh đặc biệt trong mỗi dịp Tết đến. Đặc biệt, hình ảnh "phố đông người qua" giúp ta hiểu hơn về sự nhộn nhịp, tấp nập của mọi người chờ xin chữ. Không gian, thời gian được nhắc đến trong câu thơ đã cho ta cái nhìn cụ thể hơn về hình ảnh ông đồ ngày Tết. Lượng từ "bao nhiêu" cho bạn đọc có thêm những thấu hiểu về ông đồ và công việc ý nghĩa ngày Tết. HÌnh ảnh con người tấm tắc ngợi khen kia minh chứng được tài năng của ông đồ. Miêu tả những nét chữ và khắc họa hình ảnh chân thực ông đồ, đặc biệt là so sánh "như phượng múa rồng bay", ta thêm khâm phục, thêm trân trọng ông đồ. Đó là hình ảnh, là vẻ đẹp của ngày Tết, là tín hiệu rạo rực mỗi dịp xuân về.