Truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao vô cùng thành công khi thể hiện giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực. Giá trị hiện thực trong truyện ngắn này chính là phản ánh hiện thực. Đó là sự căm ghét của tác giả được thể hiện qua sự vạch trần xã hội thối nát thời kì ấy. Con người lao đao, đói khổ và bị dồn ép vào đường cùng như con trai lão Hạc phải bỏ đi đồn điền, như ông giáo phải bán sách và bi kịch như lão Hạc phải chọn cái chết. Đồng thời, giá trị hiện thực còn được thể hiện rõ qua việc nhà văn lên án, tố cáo xã hội bất công ấy. Lời tố cáo của nhà văn qua thân phận con người lay lắt, đau khổ, bi kịch càng tô đậm bức tranh xã hội bất công. Còn giá trị nhân đạo được thể hiện trên trang văn của Nam Cao được hiểu là lòng thương yêu con người, căm ghét thế lực chà đạp lên con người. Đó là sự đồng cảm, xót thương, là sự phát hiện, là sự khẳng định và ngợi ca của tác giả. Tác giả đã đồng cảm cho lão Hạc, cho người vợ của ông giáo, cho ông giáo - con người bị xô ép bởi hoàn cảnh và trở nên khổ sở, đáng thương. Từng lời văn của Nam Cao còn thể hiện sự phát hiện với vẻ đẹp của con người sau vẻ ngoài rách rưới, sau cái vị kỉ nơi họ. "NGười đau chân thì có bao giờ nghĩ đến cái đau của người khác" và rồi thậm chí là chết để bảo toàn danh dự. Thiên lương trong con người sáng và rực rỡ hơn tất cả. Người nông dân lương thiện như lão Hạc đã được Nam Cao nhìn dưới cái nhìn cảm thông và đầy yêu thương. CHính trong xã hội đầy những tối tăm, đau khổ, ta càng thấy được ánh sáng nhân đạo chói lòa. Nam Cao khẳng định, ngợi ca phẩm chất, vẻ đẹp của con người là sự tự trọng cũng như thể hiện niềm tin mãnh liệt vào bản tính tốt đẹp nơi con người.