⇒
Cuộc sống vốn chẳng trải đầy hoa hồng cho bất cứ số phận nào. Con người chúng ta khi sinh ra đã được định sẵn phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ thì mới khôn lớn, trưởng thành được. Tương tự, sẽ chẳng một ai bước đến nấc thang của sự thành công mà không gặp bất kì điều gì cản trở, sự thất bại nào. Vì chính nhờ những thất bại ấy mà ta tích lũy thêm được nhiều vốn sống, kinh nghiệm, từ đó là cơ sở đưa ta đến thành công. Câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc cũng đem đến lời khuyên hữu ích cho tất cả mọi người chúng ta.
Vậy, thất bại là gì ? Thành công là gì ? Khi xảy ra một sự việc mà không đáp ứng được mục tiêu được mong muốn hoặc dự định, hay khi ta làm một việc gì đó nhưng công việc không đạt được kết quả như ta mong muốn, đó chính là thất bại. Trái ngược với nó, thành công là việc đạt được những mục tiêu đã đề ra, những dự định, thu được những thành quả, lợi nhuận cao.
Nhưng tại sao ông bà ta lại nói “Thất bại là mẹ thành công”? Thất bại và thành công là 2 điều hoàn toàn đối lập nhau, thì làm sao thất bại có thể trở thành “mẹ” của thành công được cơ chứ? Nhưng nếu suy gẫm, ta sẽ thấy được ý nghĩa sâu sa của nó. “Mẹ” là người dạy cho ta biết phải trái, đúng sai và cách sống sao cho có tình nghĩa. Mẹ cũng luôn là người mong muốn, ước ao sao cho con cái mình được thành đạt. Ta thấy, khi thất bại, mỗi người sẽ tự nghiền ngẫm và rút ra cho bản thân những kinh nghiệm, bài học cho lần sau, tránh lặp lại sai lầm. Sau nhiều lần kiên trì nỗ lực, chắc chắc từ những vốn sống ta tích lũy được, mà có thể thành công. Vì vậy, sự thất bại chính là điều kiện, yếu tố vô cùng quan trọng để giúp con người thực hiện được điều mình mong muốn, hay nói cách khác, thất bại sẽ giúp ta nhìn ra sai sót, điểm yếu của mình mà dần hoàn thiện bản thân, giống như tâm tình của người mẹ. Vậy nên ta nói “thất bại là mẹ thành công” là hoàn toàn đúng.
Vậy ông bà ta thường khuyên con cháu đừng nên nản chí qua câu tục ngữ là vì lý do gì? Bởi lẽ, câu tục ngữ này là một bài học ý nghĩa và góp phần giáo dục nhân cách của mỗi con người. Ta biết rằng, nếu không có những thất bại, không có những kinh nghiệm, bài học “xương máu” được rút ra từ những sai lầm, thì làm gì có những con người thành công, làm gì tồn tại sự thành đạt trong công việc, trong cuộc sống?
Trong đời sống, không ai chưa từng trải qua 1 lần thất bại. Bạn có thể thấy, Thomas Edison đã trải qua 10.000 thí nghiệm cũng như thất bại để tìm và sáng tạo ra dây tóc bóng đèn. Nếu ông không kiên trì và có một ý chí quyết tâm mà nản lòng ngay những lần thất bại đầu tiên, thì có lẽ giờ đây nhân loại vẫn còn chìm trong bóng tối. Cũng giống như nhà bác học Loius Pasture lúc còn nhỏ ông chỉ là một trong sinh trung bình mà thôi nhưng ông đã vượt qua được những khó khăn đó và đạt được thành công và trở thành một nhà bác học nổi tiếng thế giới. Qua đó ta thấy sự thất bại có vai trò rất quan trọng đối với thành công của mỗi người, chỉ khi họ biết vượt qua những khó khăn, thử thách ấy.
Ôi, chỉ với 6 từ đơn giản thôi nhưng câu tục ngữ lại mang giá trị ý nghĩa sâu sắc. Ngắn gọn nhưng giàu ý nghĩa – đó là những từ có thể dùng để miêu tả câu tục ngữ này. Nó còn là bài học, lời khuyên nhủ cho tất cả mỗi chúng ta. Qua đó, cha ông ta nhắc nhở con cháu mình rằng mỗi khi gặp thất bại hay gian nan thử thách, đừng nản chí mà bỏ cuộc, nhưng hãy lấy nó làm động lực, tiền đề, tạo nên bước đệm dẫn ta tới bến bờ thành công.
Nhưng bên cạnh đó, ngoài những con người có nghị lực, biết rút kinh nghiệm sau những sai lầm, thì còn có những người rất dễ chán nản, bỏ cuộc trong học tập, khi đối diện với con điểm kém, thay vì chú ý hơn vào cách học và sửa đổi những khuyết điểm của bản thân, nhiều học sinh nhiều lần vẫn phạm đi phạm lại chính lỗi đó. Như thế thật đáng trách và khinh thường. Bạn đừng nên nghĩ rằng “cuộc sống này làm cái gì thì sẽ thành đạt, gặp may mắn ngay. Vì chẳng ai có thể làm được điều ấy. Nếu có thì chỉ là do bạn ảo tưởng hoặc bạn sợ hãi trước cuộc đời. Những người ko biết nỗ lực và đứng dậy sau những vấp ngã là những người sẽ không bao giờ đạt được kết quả như ý mình muốn. Vì chỉ khi nào họ tiếp tục nỗ lực, kiên trì, lúc ấy thành công sẽ mỉm cười với họ. Và sự thành công, thành quả được tạo nên nhờ những thất bại, những kinh nghiệm rút ra từ lần trước, thì lúc nào cũng đáng quý và dù có trải qua năm tháng dài, chắc chắn giá trị của nó vẫn còn tồn tại mãi.
Kì thi học kì 2 cũng đang đến gần, và sẽ là kì thi quyết định các em học sinh có được lên lớp hoặc ra trường hay không. Điều quan trọng là chúng ta qua những sai phạm trong các bài kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết,.. phải biết mình sai ở chỗ nào để còn sửa đổi. Chúng ta cần siêng năng trau dồi, ôn lại kiến thức trong thời gian gấp rút này. Vì thà để những giọt mồ hôi mệt mỏi rơi trên trang sách, còn hơn là những giọt nước mắt đau khổ trên bài thi. Đừng vì những con điểm kém ngày trước làm chúng ta nản lòng, nhưng hãy đứng lên và vượt qua chúng, thay vào đó, ta phải cố gắng nỗ lực hơn trong học tập. Ta hãy luôn vững vàng, lấy thất bại làm bài học để rút kinh nghiệm thì ý chí vững vàng, kinh nghiệm dày dặn hơn, tiếp tục vươn lên và đạt được nhiều thành công hơn.
Tóm lại, dù thời gian có qua đi, nhưng giá trị của câu tục ngữ ấy vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta – những thế hệ tương lao của đất nước, phải luôn cố gắng ghi nhớ lời răn dạy của ông cha ta rằng “Thất bại là mẹ thành công” mà không bao giờ được, buồn chán vì không thành công, nhưng hãy phấn đấu và vượt lên chính bản thân mình. Nhờ vậy, đất nước ta sẽ thêm vẻ vang, hãnh diện khi có những con người thành đạt, những người không chỉ có tài năng, đạo đức mà còn có lòng kiên trì và ý chí kiên cường.