Khi ca Huế được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia tháng 6 năm 2015, việc bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế được các cấp chính quyền, các ngành chức năng và cộng đồng người dân quan tâm hơn. Tuy nhiên, thách thức lớn đối với ca Huế trong giai đoạn hiện nay đó là làm thế nào để loại hình nghệ thuật này ngày càng thu hút được giới trẻ, trong khi những nghệ nhân ca Huế gạo cội như: Minh Mẫn, Thanh Lương, Kim Vàng… tuổi đã tuổi cao, sức đã yếu. Ở Huế, hiện có hai cơ sở đào tạo các chuyên ngành về ca Huế chính quy là trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Huế và Học viện Âm nhạc Huế, trực tiếp đào tạo nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công kế cận cho nghệ thuật ca Huế. Nghệ sĩ Võ Quê cho biết: để thực sự hội nhập và đón nhận một cách sâu rộng cũng cần soạn thêm lời mới cho ca Huế được phong phú: "Hình ảnh của ca Huế trên dòng sông Hương với ca Huế thính phòng phòng đang đi vào trong tâm thức của nhiều người. Vì vậy, cũng cần có sự hội nhập trong lời ca trong nội dung bài bản và nhất là những bài bản lớn của ca Huế, rất cần những nội dung mới để có sự định hình, góp phần bảo tồn cũng như sự phát triển cái loại hình nghệ thuật ca Huế".