Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích như một cô gái bị cấm cung. Từ "khóa xuân" đã mỉa mai cảnh ngộ trớ treo, éo le của Kiều. Quá khứ là bao nỗi đớn đau, tương lai mịt mù tăm tối, Nguyễn Du đã đặt Kiều trong cảnh ngộ ấy để nàng tự bộc lộ tâm trạng của mình. Tâm trạng Kiều cứ theo cảnh mà hiện ra qua con mắt nhìn của nàng. Nhìn xa, nàng chỉ thấy vệt núi xa mờ, nhìn lên cao chỉ có mảnh "trăng gần". Nhìn xuống đất thì cảnh vật "bốn bề bát ngát". Bên thì cồn cát nhấp nhô như lượn sóng, bên thì "bụi hồng" trải khắp dặm xa mênh mông. Không gian vắng vẻ, rợn ngợp, mênh mông, heo hút đã tô đậm nỗi cô đơn trơ trọi trong lòng Kiều. Thời gian với nàng càng buồn hơn. Nàng sống trong cảnh "bẽ bàng" không biết chia sẻ cùng ai, chỉ biết làm bạn với mây vào buổi sáng, làm bạn với đèn lúc đêm khuya. Thời gian tuần hoàn khép kín, giam hãm Kiều, chia xé lòng nàng khiến lòng nàng càng thêm tan tác.