Hình ảnh người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật thể hiện một cách chân thực và sinh động. Thật vậy, những người lính ấy hiện lên với những phẩm chất đáng quý của người lính trẻ dũng cảm trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thứ nhất, người đọc có thể thấy họ là những người lính quả cảm, không sợ hãi trước bom đạn kẻ thù. Trong những buồng xe không kính, những người lính ấy hiện ra thực sự vĩ đại như những tượng đài. "Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng" đã thể hiện được tư thế và tầm vóc hiên ngang của những người lính không chút sợ hãi mưa bom bão đạn của kẻ thù. Họ chỉ mãi giữ một mục tiêu chiến đấu của bản thân mình là "Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim". Dù cho điều kiện có khắc nghiệt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhờ tình yêu tổ quốc mà xe của họ vẫn lăn bánh để giải phóng tổ quốc. Thứ hai, những người lính trong bài thơ là những người lính hồn nhiên yêu đời. Sự hồn nhiên lạc quan của họ được thể hiện qua thái độ của họ đối với những khó khăn gian khổ. Với họ, những khó khăn ấy chẳng những không phải là chướng ngại mà còn là niềm vui trên những quãng đường chạy xe "Bụi phun tóc trắng như người già. Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha". Tinh thần lạc quan của những người lính đã giúp họ có sức mạnh để mà chiến đấu vì mục tiêu cao cả giải phóng dân tộc. Thứ ba, những người lính hiện lên có tinh thần đoàn kết, yêu thương tương trợ lẫn nhau. Những chiếc xe không kính ko những ko mang lại khó khăn mà còn làm cho họ có cơ hội bắt tay nhau qua ô cửa. Những người lính sống và chiến đấu cùng nhau, cùng ăn những bữa cơm bên bếp Hoàng Cầm nổi tiếng, cùng trò chuyện hàn huyên với nhau thành một gia đình nhỏ tràn ngập yêu thương.