Trong cuộc sống, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không nên được duy trì bằng sự áp đặt từ phía cha mẹ lên những đứa trẻ của mình. Thật vậy, điều này sẽ tạo ra những tác hại nhất định đối với sự phát triển và cuộc sống của những đứa trẻ. Đầu tiên, sự áp đặt của cha mẹ sẽ làm cho đứa trẻ luôn lớn lên và sống trong một vòng tròn giới hạn do bố mẹ chúng tạo ra. Chúng không dám bước ra khỏi cái vòng tròn bảo vệ vô lí đấy để mà khám phá thế giới xung quanh, không dám bước vào cuộc sống kì diệu đang chờ đợi ngoài kia. Chúng cứ lớn lên bằng sự gò bó, giam hãm từ những điều mà bố mẹ cấm đoán mà không cho chúng một lời giải thích tại sao lại như thế. Sự phát triển gò bó như vậy sẽ ảnh hưởng đến nhân cách về lâu về dài của một đứa trẻ. Thứ hai, sự áp đặt của cha mẹ có lẽ sẽ là điều kiện để nảy sinh ra tính cách chống đối của những đứa trẻ. Không có đứa trẻ nào là hư, nhưng khi bố mẹ chúng quá ép chúng vào khuôn khổ thì buộc chúng phải tìm những cách khác nhau để đối phó lại những quy định ngặt nghèo từ phía cha mẹ. Cuối cùng, sự áp đặt quá đáng của cha mẹ chính là hòn đá cản đường tai hại đối với sự phát triển của con trẻ. Chúng không có cơ hội để thử sức trong lĩnh vực mình thích mà phải theo con đường mà bố mẹ đã vạch sẵn cho chúng. Những đứa trẻ sẽ chẳng thể nào được sống trong ước mơ và đam mê của mình. Tóm lại, sự áp đặt của cha mẹ chính là đi ngược lại với giáo dục con trẻ, chúng ta cần giáo dục con cái sao cho chúng trở thành những công dân có ích nhưng luôn bản lĩnh, dũng cảm vì ước mơ của chúng.