Bài ca dao thứ tư trong chùm ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa đã bộc lộ nỗi niềm thương nhớ của cô gái. Trong mười câu thơ đầu tiên, cô gái đã thể hiện những cung bậc cảm xúc thể hiện gián tiếp. Với việc sử dụng phép điệp cấu trúc cùng hàng loạt các câu nghi vấn "khăn thương nhớ ai", "đèn thương nhớ ai", "mắt thương nhớ ai"; tác giả đã tô đậm nỗi nhớ thương của nhân vật trữ tình. Sự lặp lại cấu trúc cho thấy điệp khúc nỗi nhớ triền miên không dứt. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng một vật dụng rất quen thuộc của mọi cô gái - đó là hình ảnh chiếc khăn. Tuy nhiên, trong lời thơ, hình ảnh ấy không đơn thuần mang nghĩa thực mà nó còn mang ý nghĩa ẩn dụ để chỉ nhân vật trữ tình và nỗi nhớ thương của nhân vật. Hành động “chùi nước mắt” cho thấy sự đau khổ của cô gái. Chỉ với mười câu thơ đầu, với việc phối hợp các biện pháp ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, điệp cấu trúc, sử dụng câu hỏi tu từ đã diễn tả sâu sắc những cung bậc nỗi nhớ trong tình yêu của cô gái. Hai câu thơ sau là những cung bậc cảm xúc thể hiện trực tiếp. Tác giả đã sử dụng phép điệp liên hoàn "Đêm qua em những lo phiền...lo vì một nỗi..." để nhấn mạnh tâm trạng chủ đạo của cô gái: lo lắng, phiền muộn. Đại từ nhân xưng “em” cho thấy nhân vật trữ tình trực tiếp xuất hiện bày tỏ nỗi lo lắng, sầu muộn về tình yêu. Đặc biệt hơn là có sự xuất hiện của dấu "..." ở cuối ca dao. Dấu chấm lửng ở cuối bài ca dao tạo nên một kết thúc mở, đem lại sức gợi to lớn cho cả bài. Tóm lại, bài ca dao đã bộc lộ nỗi nhớ thương, niềm lo âu trăn trở của nhân vật trữ tình. Từ đó bài ca dao đã ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người con gái Việt Nam thủy chung, sâu sắc. Đồng thời lên án xã hội phong kiến xưa với những thủ tục lỗi thời, lạc hậu: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, môn đăng hộ đối… Bài ca dao là tiếng hát đầy thương yêu của một tâm hồn khát khao thương yêu.