Ghép các dòng thành một đoạn văn nha :)
;
Vẻ đẹp của Bác Hồ - nhân vật trung tâm của bài thơ – được thể hiện qua một số khía cạnh sau:
- Tư thế của Người: Tư thế của Người được nhắc đi nhắc lại trong những lần người lính thức dậy. Thoạt tiên là tư thế lặng yên, trầm ngâm, tóc bạc… Phía sau vẻ trầm ngâm ấy chắc hẳn đang có biết bao suy tư, trăn trở (Không ngủ vì lo nỗi nước nhà – Cảnh khuya). Lần thứ ba, tư thế của Bác vừa có sự lặp lại vừa có sự thay đổi: “Bác vẫn ngồi đinh ninh – Chòm râu im phăng phắc”… Đó là tư thế của một con người suốt đời lo cho dân, cho nước. Nhưng tư thấy ấy cũng gợi lên vẻ đẹp của một hiền triết phương Đông – một nét phong cách thường thấy ở Hồ Chí Minh.
- Cử chỉ, hành động, lời nói của Người: giản dị, ấm áp. Những chi tiết về hành động “dém chăn” nhẹ nhàng có sức gợi cảm rất lớn. Đó là sự chăm sóc của một người cha với những đứa con yêu. Chú ý, sự chăm sóc chu đáo ấy, Người dành cho tất cả: “Từng người, từng người một”. Lời nói trong hai lần cũng khác nhau. Lần thứ nhất, Bác chỉ nói vắn tắt để người lính yên lòng: “Chú cứ việc ngủ ngon – Ngày mai đi đánh giặc”. Lần thứ hai, khi người lính nằng nặc mời Bác ngủ, Bác mới giải thích vì sao Bác không thể ngủ được. Bác thương cho đồng bào chiến sĩ thiếu thốn trong cảnh mưa lạnh: “Càng thương càng nóng ruột – Mong trời sáng mau mau”.
- Nét cao đẹp nhất của Bác là tình thương: Tình thương của Người có hai điểm đáng chú ý:
+ Tình thương luôn gắn với những hành động cụ thể chứ không đơn giản chỉ bằng lời nói.
+ Tình thương được mở rộng dần: từ tình thương người chiến sĩ đến tình thương dành cho đoàn dân công. Đó là tình yêu lớn của một trái tim vĩ đại. (Thơ Tố Hữu: Bác ơi tim Bác mênh mông thế - Ôm cả non sông, mọi kiếp người). Cần lưu ý, trong bài thơ này, Minh Huệ nhiều lần nói đến lửa hồng. Hình ảnh ngọn lửa mang hai ý nghĩa: nói về ngọn lửa thực và nói đến trái tim yêu thương của Bác (qua so sánh: “Ấm hơn ngọn lửa hồng”).