Rừng ngập mặn có vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường và chống lại các tác động rủi ro trong xu thế biến đổi khí hậu, cụ thể:
Rừng làm chậm dòng chảy và phát tán rộng nước triều nhờ hệ thống rễ dày đặt trên mặt đất của các loài cây đước, vẹt, mắm, bần,…làm cản sóng, tích lũy phù sa, mùn bã thực vật tại chổ, có tác dụng làm chậm dòng chảy, sóng biển; làm chậm chảy tràn trên mặt đất, nước theo hệ thống rễ thấm vào đất, bổ cập vào nguồn nước dưới đất.
Rừng làm giảm mạnh độ cao của sóng khi triều cường và bảo vệ đê biển, theo Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phan Nguyên Hồng, độ cao sóng biển giảm mạnh khi đi qua dải rừng ngập mặn với mức biến đổi từ 75% đến 85% (tức là từ độ cao sóng từ 1,3 m xuống còn 0,2-0,3m) từ đó đê biên được bảo vệ.
Rừng làm thay đổi tốc độ gió, khi gió vận động qua đai rừng, không khí hạ thấp dần ở phía đối diện và lại vận động theo bề mặt đất với sự giảm thấp tốc độ; rừng làm tăng lượng mưa của khí quyển nhờ vào quá trình thoát hơi nước của rừng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi gia tăng 10% độ che phủ của rừng thì lượng mưa sẽ tăng 2,5%. Sự gia tăng lượng mưa ở nơi có rừng có thể liên quan đến quá trình thoát hơi nước của rừng và quá trình đốt nóng tán rừng bởi bức xạ mặt trời (PGS.TS Nguyễn Văn Thêm, 2008). Vì thế, rừng có ý nghĩa to lớn đối với việc phòng chống gió hại cho đồng ruộng và khu dân cư.
Rừng điều hòa khí hậu, tích tụ cacbon, theo ông Blasco (1975) nghiên cứu khí hậu và khí hậu rừng, đã có nhận xét: các quần xã rừng ngập mặn và rừng phòng hộ là một tác nhân làm cho khí hậu dịu mát hơn, giảm nhiệt độ tối đa và giảm biên nhiệt độ. Hệ sinh thái rừng giúp cân bằng O2 và CO2 trong khí quyển, điều hòa khí hậu địa phương (nhiệt độ, lượng mưa) và giảm thiểu khí nhà kính, tham gia tích cực vào quá trình bảo vệ tầng ozon. Nhờ các tán lá hút CO2 mạnh nên hàm lượng khí CO2 nơi có rừng giảm mạnh.
Theo GS-TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, thực tế cho thấy những cơn bão đổ bộ vào Việt Nam trong 3 năm vừa qua, những nơi nào có rừng ngập mặn được bảo vệ tốt thì đê biển mặc dù chỉ được xây dựng bằng đất nện không kiên cố vẫn đứng vững vàng. Ngược lại, các đê biển dù được xây dựng bằng bê tông hoặc kè đá ở những khu vực không có rừng ngập mặn hoặc rừng bị chặt phá vẫn bị phá vỡ. Mặt khác việc chặt phá rừng dẫn đến sự gia tăng tốc độ gió ở bề mặt đất, làm biến đổi chế độ nhiệt và ẩm ở lớp không khí gần mặt đất và làm tăng cường độ bốc hơi nước tổng số; phá hủy rừng còn dẫn đến sự biến đổi thời tiết trên không gian rộng lớn, gây ảnh hưởng xấu đến điều kiện sống của sinh vật. Kết quả sẽ dẫn đến sự gia tăng mức ngưng kết hơi nước, làm giảm lượng mưa rơi, làm mất nơi trú ẩn, sinh sản của sinh vật và làm tăng nhiệt độ,…
Tóm lại, rừng ngập mặn có vô cùng ý nghĩa lớn lao.